DỪA CẠN
Tên khoa học của cây Dừa cạn – Cathranthus roseus(L.) G. Don. (Vinca rosea L.) họ Trúc đào (Apocynaceae)
Đặc điểm thực vật
Dừa cạn là cây thảo, sống nhiều năm, cao 40-80 cm, cành thẳng đứng. Lá mọc đối, thuôn dài, đầu hoa nhọn, phía cuống hẹp, nhọn, dài 3-8 cm, rộng 1-2.5 cm, không có nhựa mủ. Hoa trắng hoặc hồng mọc riêng lẻ ở kẽ lá, đài hợp thành ống ngắn, tràng hợp hình đinh, phiến có 5 thùy, 5 nhị đính trên tràng, 2 lá noãn hợp với nhau ở vòi. Quả gồm 2 đại dài 2,5-5 cm, rộng 2-3 cm, mọc thẳng đứng hơi ngả sang hai bên, trong có 12- 20 hạt nhỏ màu nâu nhạt, hình trứng, trên mặt hạt có những mụn nổi thành hàng dọc. Mùa hoa, quả gần như quanh năm.
Phân bố và trồng hái
Dừa cạn có nguồn gốc ở đảo Madagasca, mọc hoang và được trồng ở nhiều nước nhiệt đới và ôn đới. Ở nước ta dừa cạn mọc hoang và trồng làm cảnh ở An Giang, đảo Phú Quốc và Côn Đảo, có nhiều ở Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam- Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên. Trồng bằng hạt, thu hái cảnh mang lá và hoa về phơi sấy khô.
Bộ phận dùng
Lá (Folium Catharanthi) đã phơi sấy khô.
Ngoài ra còn dùng rễ (Radix Catharanthi).
Vi phẫu lá:
Biểu bì trên và dưới gồm một lớp tế bào hình chữ nhạt xếp thường là 2 tế bào, tế bào chân ngắn, tế bào đầu dài nhọn; lông che chở đơn bào ngắn. Phần gân chính: dưới lớp tế bào biểu bì trên là đám mô dày ở góc. Mô mềm gồm những tế bào màng mỏng, kích thước không đều, giữa các tế bào mô mềm để hở những khoảng gian bào hình đa cạnh. Bó libe-gỗ chồng kép hình cung, xếp giưa gân lá, gồm những đám libe tế bào nhỏ, xếp thành 2 cung bao bọc lấy cung gỗ. mạch gỗ xếp đều đặn.Phần phiến lá gồm một hanh tế bào mô mềm giậu xếp đều đặn và mô mềm khuyết tế bào nhỏ, màng mỏng, xếp không đều.
Soi bột:
Mảnh biểu bì mang lỗ khí và lông che chở đa bào, đôi khi đơn bào. Lỗ khí có 3 tế bào phụ hình dạng thay đổi, thường có 1 tế bào nhỏ hơn 2 tế bào kia. Mảnh gân lá gồm tế bào màng mỏng, hình chữ nhật. Rải rác có lông che chở 2 – 5 tế bào, bề mặt lấm tấm. Mảnh mô giậu, mô mềm khuyết, mảnh mạch vạch, mạch mạng.
Thành phần hóa học
Hàm lượng alcaloid toàn phần trong lá: 0,37- 1,15%, thân: 0,46%, rễ chính: 0,7- 2,4%; rễ phụ: 0,9 – 3,7%; hoa: 0,14-0,84%; vỏ quả 1,14; hạt 0,18%.
Có tới trên 70 alcaloid căn cứ vào cấu tạo hóa học người ta chia làm 3 nhóm chính:
1. Nhóm alcaloid có nhân indol: perivin, peviridin, perosin, catharantin, cavicin, ajmalicin...
2. Nhóm alcaloid có nhân indolin: vindolin, ajmalin, lochnericin, lochneridin, lochrovin…
3. Nhóm alcaloid có 2 vòng indol hoặc 1 vòng indol và 1 vòng indolin. Trong nhóm này cò những alcaloid có tác dụng chữa bệnh ung thư như vinblastin = vincaleucoblastin có hàm lượng rất thấp: 0,003- 0,005% trong lá, leurosin và leurosidin
Kiểm nghiệm
Định tính
Lấy 3g bột dược liệu cho vào 1 bình nón, thấm ẩm bằng amoniac đặc. Thêm 30ml chloroform, để yên 30 phút, thỉnh thoản lắc đều. Lọc. Dịch lọc cho vào bình gạn lắc với 5 ml acid sulfuric 10% trong 2-3 phút. Để lắng, gạn lấy dung dịch acid. Cho vào 4 ống nghiệm, mỗi ống 1 ml dịch chiết acid.
Ống 1: nhỏ 2 giọt T.T. Mayer→ xuất hiện tủa trắng hồng.
Ống 2: nhỏ 2 giọt T.T. Bouchardat → xuất hiện tủa nâu
Ống 3: nhỏ 2 giọt T.T. Dragendorff → xuất hiện tủa đỏ cam
Ống 4: nhỏ 1 giọt dung dịch acid picric → xuất hiện tủa vàng.
Định lượng
Cân chính xác khoảng 15 g bột dược liệu khô kiệt, cho vào bình nón 250ml có nút mài, thấm ẩm đều bằng amoniac đặc (5ml).Thêm vào 150 ml chloroform. Lắc mạnh, để yên qua đêm. Lọc, lấy 100 ml dịch lọc tương ứng với 10 g bột dược liệu, chiết 4 lần, mỗi lần 10 ml H2SO410%.Gộp chung các dung dịch acid, kiềm hóa bằng amoniac đặc trong điều kiện lạnh đến pH =10. Chiết alcaloid bằng chloroform 4 lần (3 lần đầu mỗi lần 15 ml, lần thứ 4 bằng 10 ml). Sau đó thêm amoniac đậm đặc (TT đến pH 11-12 rồi tiếp tục lắc với chloroform 4 lần như trên. Gộp dịch chiết chloroform. Loại nước trong dịch chiết chloroform bằng Na2SO4 khan. Cất thu hồi bớt dung môi rồi chuyển vào một bình đã cân bì. Bốc hơi dung môi cho tới khô. Cho vào bình hút ẩm với silica gel đến khối lượng không đổi, cân.
Theo dược điển Việt Nam III qui định dược liệu là lá phải chứa ít nhất 0,7% alcaloid toàn phần.
Tác dụng và công dụng
- Cao lỏng dừa cạn có tác dụng hạ huyết áp, an thần, gây ngủ và có độc tính nhẹ.
- Vinblastin và Vincristin có tác dụng chống ung thư trên mô hình thực nghiệm, đặc biệt tác dụng chống bệnh bạch cầu. Hai alcaloid này tuy độc tính và tác dụng có khác nhau chút ít nhưng đều được dùng để điều trị bệnh Hodgkin, ung thư biểu mô, đặc biệt đối với bệnh lympho hạt, bệnh bạch cầu.
+ Vinblastin sulfat, lọ bột đông khô pha tiêm tĩnh mạch 5 mg, 10mg kèm ống dung môi NaCl 0,9%, 5 ml, 10 ml.
+ Vincristin sulfat, lọ bột đông khô để pha tiêm tĩnh mạch 0.5 mg, 1 mg kèm 1ml dung dịch NaCl 0,9%
- Ngoài ra, dược liệu được dùng chữa bệnh bế kinh, huyết áp cao, chữa tiêu hóa kém và lỵ. Ngày dùng 8 – 12 g dạng thuốc sắc. Vinca (3 mg alcaloid toàn phần/1 viên), uống 2-3 viên x2 lần trong ngày chữa bệnh cao huyết áp.
- Rễ dừa cạn được dùng làm nguyên liệu chiết xuất ajmalicin.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ môn dược liệu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Bộ môn dược liệu (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
No comments:
Post a Comment