HOÀNG NÀN
Tên khoa học của cây hoàng nàn: Strychnos wallichiana Steud. ex. DC (Strychnos gaulthierana Pierre.), họ Mã tiền – Loganiaceae.
Hoàng nàn còn gọi là vỏ dãn, vỏ noãn, mã tiền lá quế.
Đặc điểm thực vật
Hoàng nàn là cây mọc leo, thân gỗ, đơn độc hoặc phân nhánh, cành có tua cuốn và móc cứng như sừng. Vỏ cây xám có những nốt sần sùi màu nâu đỏ, lá mọc đối, nhẵn, có 3 gân nhô lên ở mặt chính dưới lá. Hoa không cuống mọc thành chùy dạng ngù ở đầu cành, phủ lông màu hung đỏ. Quả mọng hình cầu, đường kính 4 -5 cm, vỏ quả cứng dễ vỡ. Hạt nhiều hình cúc áo, dày 8mm, đường kính 22mm, có lông mượt màu vàng ánh bạc.
Phân bố, thu hái và chế biến
Theo một số tác giả, hoàng nàn chỉ thấy mọc ở một số tỉnh miền bắc: Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Thanh Hóa (cần nghiên cứu chính xác thêm vì có thể ở những vùng khai thác vỏ gọi là hoàng nàn, nơi khác khai thác hạt lại mang tên mã tiền).
Người ta thường bóc vỏ thân, vỏ cành đem phơi hay sấy khô .
Chế biến: Ngâm vỏ vào trong nước trong 12-24 giờ, cạo hết lớp vàng bên ngoài rồi ngâm nước vo gạo 3 ngày đêm mỗi ngày thay nước 1 lần). Rửa sạch thái nhỏ phơi hay sấy khô, đựng trong lọ kín. trước khi dùng đem sao qua, nghiền tán thành bột. Có người trước khi tán bột lại tẩm với dầu vừng sao qua.
Bộ phận dùng
Vỏ cây: Miếng cuộn tròn, dài 10-15 cm, rộng 2-3 cm, dày 1,5 – 2 mm. Mặt ngoài sần sùi, màu nâu xám, có những đốm trắng vàng hay vàng thẫm. Mặt trong nhẵn, màu nâu đen, có đường vân dọc. Vị đắng .
Vi phẫu: Lớp bần gồm nhiều hàng tế bào màu vàng. Tầng phát sinh ngoài. Mô mềm, trong rải rác có tinh thể calci oxalat hình chữ nhật và tế bào cứng đứng riêng lẻ hay chụm lại thành đám. Vòng mô cứng, gồm tế bào thành dày hóa gỗ. Libe hình nón phân cách nhau bởi tia tủy khá rộng, trong có nhiều tinh thể calci oxalat hình thoi. Tầng phát sinh.
Bột: Màu vàng đất, vị đắng. Soi kính hiển vi thấy: tế bào cứng màu vàng nhạt, hình trái xoan hay chữ nhật, thành dày, có ống trao đổi rõ. Mảnh bần màu vàng nâu, gồm tế bào hình nhiều cạnh thành dày. mảnh mô vỏ gồm tế bào thành mỏng, hình gần tròn hay chữ nhật. Nhiều tinh thể calci oxalat hình thoi hay chữ nhật. Mảnh mạch mạng.
Thành phần hóa học
Trong vỏ hoàng nàn có strychnin, brucin. Hàm lượng alcaloid toàn phần lên tới 5,23%, trong đó Brucin 2,81% và Strychnin 2,37 – 2,43 %, ngoài ra còn có rất nhiều nhựa .
Định tính:
- Nhỏ acid nitric lên mặt trong của vỏ sẽ thấy xuất hiện màu đỏ máu. Nhỏ lên mặt ngoài, trên những nốt sần sẽ xuất hiện màu lục đen nhạt.
- Lắc 1 g bột dược liệu với 10 ml chloroform, thêm 1 ml amoniac, tiếp tục lắc trong 5 phút. lọc lớp chloroform qua giấy lọc có Na2SO4 khan. chia dịch lọc thành 2 phần rồi đem bốc hơi trên nồi cách thủy tới khô.
+ Ống 1: Hòa tan cắn trong 2-3 giọt H2SO4 đậm đặc, thêm vài tinh thể kali bicromat sẽ xuất hiện màu tím, màu mất nhanh (Strychnin ).
+ Ống 2: Thêm vào cắn 2-3 giọt acid nitric đậm đặc sẽ xuất hiện màu đỏ (Brucin).
Công dụng và liều dùng
Hoàng nàn là một vị thuốc rất độc, do đó khi dùng phải chế biến để giảm độc. Hoàng nàn chế được dùng để chữa chó dại cắn, chữa phong, ghẻ và một số bệnh ngoài da khó chữa. Ngoài ra trong một số đơn thuốc chữa thấp khớp có người đã dùng vị hoàng nàn chế. Liều tối đa: 0,1g/lần; 0,4g/24 giờ. Một vài nơi còn dùng hoàng nàn chế làm thuốc cường dương, kích thích sinh dục nữ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ môn dược liệu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Bộ môn dược liệu (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
No comments:
Post a Comment