Tuesday, 17 April 2012

MỰC HOA TRẮNG-Holarrhena antidysenterica Wall., họ Trúc đào-Apocynaceae.


MỰC HOA TRẮNG

 

Tên khoa học của cây mực hoa trắng: Holarrhena antidysenterica Wall., họ Trúc đào-Apocynaceae.
Tên khác: Mộc hoa trắng, thừng mực lá to, sừng trâu, míc lông, mộc vài (Tày), xi chào (K’ho), hồ liên.
Đặc điểm thực vật
Cây gỗ cao chừng 3 – 12 m. Cành non nhẵn hoặc mang lông màu nâu đỏ, trên mặt có nhiều khổng bì trắng, rõ. Lá mọc đối gần như không cuống, nguyên hình bầu dục đầu tù hoặc nhọn, gốc tròn hay nhọn, dài 12 – 15 cm, rộng 4 – 8 cm, mặt lá bóng, màu xanh lục nhạt. Hoa màu trắng, mọc thành ngù xim ở kẽ lá hoặc ở đầu cành. Quả đại, mọc từng đôi thành cung trông như sừng trâu. Mỗi đại màu nâu có vân dọc, dài 15 – 30cm, rộng 0,2 – 0,25cm, màu nâu nhạt, đáy tròn, đầu hơi hẹp, lõm một mặt, trên mặt có đường mặt có đường màu trắng nhạt, chùm lông của hạt màu hơi hung hung dài 2 – 4,5cm. Toàn cây có nhựa mủ.
Phân bố
Cây mọc hoang phổ biến ở các tỉnh miền núi và trung du như Bắc Giang, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình, Gia Lai, Kon Tum, Sông Bé, Tây Ninh, Đồng Nai… nhưng có nhiều nhất ở Đắc Lắc và Nghệ An.
Cây còn mọc ở Ấn Độ, Myanma, Thái Lan, Malaixia.
Bộ phận dùng
- Vỏ thân cây đã cạo bỏ lớp bần phơi hay sấy khô, thu hái vào mùa khô.
- Hạt.
Vi phẫu vỏ thân
Lớp bần. Tầng sinh bần. Lục bì. Mô mềm vỏ mỏng màu nâu đỏ thẫm. Lớp libe cấp 2 rất dày, trong đó có xen kẽ nhiều đám tế bào mô cứng, xếp thành nhiều tầng và có các ống nhựa mũ. Bên cạnh mỗi đám sợi có tinh thể calci oxalat hình khối. Tia ruột gồm một đến hai lớp tế bào chạy dài theo hướng xuyên tâm ,màng mỏng. Tầng sinh libe-gỗ.
Bột vỏ thân
Tế bào mô cứng rời hay xếp thành từng đám, có màu vàng nhạt, hình nhiều cạnh, màng hơi dày, khoang rộng có ống trao đổi rõ dài từ 60 đến 80 μm, rộng 40 đến 50 μm. Mảnh mô mềm gồm những tế bào hình đa giác, màng mỏng. Tinh thể calci oxalat hình khối chữ nhật, dài khoảng 40 μm, rộng khoảng 30 μm. Mảnh bần màu nâu nhạt gồm những tế bào nhiều cạnh, thành dày, khoang hẹp. Hạt tinh bột có rốn rõ.
Thành phần hóa học.
Vỏ thân chứa 9,5% gôm, 6,2 % chất nhựa, 1,14% tanin và nhiều alcaloid. Hàm lượng alcaloid thay đổi tùy theo sự phát triển của cây, cao nhất vào lúc cây 8-12 tuổi .
Hàm lượng alcaloid toàn phần: 0,22-4,2% trong vỏ. Cho tới nay đã tìm thấy 45 alcaloid, trong đó có conessin là alcaloid chính và nhiều alcaloid phụ khác như:  conessin (C23H28N2), isoconessimin (C23H38N2), conarimin (C21H34N2), conimin (C22H36N2), conamin (C22H36N2), holarimin (C21H34N2O), holarenin (C24H38ON2), conkurchin (C21H32N2), conessidin (C22H34N2)… Các chất khác : Gôm, nhựa, tanin, triterpen alcol, lupeol và sitosterol.

conessin
Chất Conessin có tinh thể hình lăng trụ (kết tinh trong aceton), điểm chảy: 1250C, [α]D = -1,90 (trong CHCl3) và + 21,6o(trong C2H5OH)
Gần đây nhóm tác giả người Pháp cùng Khương Hữu Quý đã phân lập được từ vỏ 3 cardenolid : nor-mitiphyllin, holarosin A và B.
Kiểm nghiệm
1 Định tính.
-   Lấy 1g bột dược liệu, thấm ẩm với amoniac đậm đặc, thêm 10 ml chloroform thỉnh thoảng lắc và sau 2 giờ lọc. Cho dịch lọc vào bình gạn, lắc với 3ml dung dịch HCl 1N. Để yên, gạn lấy nước lớp dịch chiết acid, chia đều vào 3 ống nghiệm.
+ Ống 1: Nhỏ một giọt thuốc thử Dragendorff sẽ có tủa đỏ gạch.
+ Ống 2: Nhỏ một giọt thuốc thử Mayer sẽ có tủa vàng nhạt.
+ Ống 3: Nhỏ một giọt thuốc thử Bouchardat sẽ có tủa nâu.
-   Lấy 1g bột dược liệu lắc với 5ml methanol, lọc vào một chén sứ rồi cho vào đó 1ml HCl đậm đặc, cô cạn, thêm 5-6 giọt H2SO4 đặc sẽ xuất hiện màu tím, thêm vài giọt nước cất thì màu tím bền hơn.
-   Lấy 5 gam bột dược liệu, thấm ẩm bằng 5 ml amoniac đậm đặc, thêm 30ml chloroform, lắc 15 phút, lọc. Cho dịch chiết chloroform vào bình gạn, thêm 10ml H2SO42 %, lắc và gạn lấy dịch chiết acid, kiềm hóa bằng amoniac đậm đặc cho đến pH = 9 trong bình gạn. Thêm 15 ml chloroform, lắc. Gạn lấy lớp chloroform vào một chén sứ và làm khan bằng Na2SO4 khan, cho bốc hơi tới khô. Chiết cắn bằng ether dầu hỏa 2 lần, mỗi lần 5 ml. Bốc hơi ether dầu hỏa trong chén sứ, thêm 10 giọt thuốc thử Erdmann sẽ xuất hiện màu vàng chuyển sang màu xanh lục.
2 Định lượng :
 Cân chính xác khoảng 5 g bột dược liệu, thấm ẩm bằng 5 ml dung dịch NaOH 1N. Để yên 1 giờ, sau trải ra và để chỗ thoáng cho khô rồi cho vào bình soxhlet chiết bằng hỗn hợp dung môi ethanol- chloroform [1: 3] cho đến hết alcaloid (khoảng 3 giờ). Lắc dịch chiết này với dung dịch HCl 2N 5 lần (2 lần đầu mỗi lần 20ml, 3 lần sau mỗi lần 10ml). Tập trung các dịch chiết acid và kiềm hóa từ từ bằng amoniac đậm đặc cho đến pH =9. Chiết lại bằng cách lắc 5 lần 20, 20, 10, 10 và 10 ml chloroform. Trước khi chiết lần cuối cùng thêm 1ml dung dịch NaOH 2N. Lấy 10 ml nước cất cho vào bình gạn, rửa lần lượt từng dịch chiết chloroform một, rửa như vậy 2 lần. Tập trung các dịch chiết chloroform, thêm chính xác 20ml dung dịch H2SO40,1 N và lắc kỹ 5 phút. Gạn dịch acid vào bình nón, rửa dịch chloroform 2 lần, mỗi lần với 10 ml nước cất và gộp nước rửa vào dịch acid trong bình nón. Thêm 3 giọt chỉ thị hỗn hợp và chuẩn độ acid thừa bằng dung dịch NaOH 0,1 N cho tới khi dung dịch chuyển sang màu xanh nhạt.
Song song tiến hành kiểm tra mẫu trắng: Lấy chính xác 20ml dung dịch H2SO4 0,1 N, thêm 20ml nước và 3 giọt dung dịch chỉ thị hỗn hợp, chuẩn độ bằng dung dịch NaOH 0,1N.
1ml dung dịch H2SO40,1N tương ứng với 0,017829 g alcaloid toàn phần tính theo conessin.
Hàm lượng phần trăm alcaloid toàn phần (X%) của dược liệu tính theo công thức

X% =  (n-n’).1,782/P
           n’: số ml dung dịch NaOH 0,1 N dùng cho mẫu trắng .
           n : số ml dung dịch NaOH 0,1 N dùng cho mẫu thử.
           P : khối lượng dược liệu tính bằng g (đã trừ độ ẩm).
Dược điển Việt Nam II quy định dược liệu phải chứa ít nhất 1,0% alcaloid toàn phần tính theo conessin và tính theo dược liệu khô kiệt.
Đối với conessin có thể định lượng bằng phương pháp so màu, theo nguyên tắc: Chiết lấy riêng conessin từ dược liệu rồi cho tác dụng với một lượng dư acid silicovonframic để tạo tủa silicovonframat alcaloid. Tách tủa ra, cho titan (III) clorid tác dụng với thuốc thử dư tạo ra dung dịch có màu xanh, đo cường độ màu, tính ra lượng thuốc thử đã kết hợp với alcaloid, rồi suy ra lượng alcaloid.
Cũng có thể định lượng conessin trong dược liệu bằng phương pháp HPLC.
Ghi chú :
1.   Thuốc thử Erdman: Cho 10 giọt acid nitric đậm đặc (TT) vào 100ml nước cất, thêm 20ml H2SO4 đậm đặc (TT).
2.   Chỉ thị hỗn hợp: Trộn 13ml dung dịch xanh methylen (0,15g trong 100 ml ethanol) với dung dịch đỏ methyl (0,04 g đỏ methyl hòa tan với 70ml ethanol và 25ml nước ) cho vừa đủ 100ml.
Tác dụng và cộng dụng
Conessin là hoạt chất chính của cây mức hoa trắng. Conessin ít độc, với liều cao gây liệt trung tâm hô hấp. Nếu tiêm, nó có tác dụng gây tê tại chỗ nhưng lại kèm theo hiện tượng hoại thư do đó không dùng gây tê được. Entamoeba histolityca bị liệt bởi emetin ở nồng độ 1/200000, bởi conessin ở nồng độ 1/280000. Conessin bài tiết một phần qua đường ruột, một phần qua đường tiểu tiện. Conessin còn kích thích co bóp ruột và tử cung. Nó gây hạ huyết áp và làm tim đập chậm bằng đường tiêm tĩnh mạch súc vật thí nghiệm.
Trên lâm sàng, người ta dùng conessin hydroclorid hay hydrobromid chữa lỵ amip, hiệu lực như emetin nhưng ít độc và tiện dùng hơn emetin. Nó có tác dụng cả đối với kén và amip, hiệu lực như emetin nhưng ít độc và tiện dùng hơn emetin. Nó có tác dụng cả đối với kén và amip, còn emetin chỉ có tác dụng đối với amip. Hiện tượng không chịu thuốc rất ít hoặc không đáng kể.
Mực hoa trắng được dùng điều trị amip và ỉa chảy dưới dạng cao lỏng, bột, cồn thuốc, nước sắc vỏ thân hay hạt. Liều dùng: 10g vỏ thân phơi khô hoặc 3 – 6g hạt trong ngày, cao lỏng uống 1 -3 g, cồn hạt (1/5) uống 2 – 6 g/ngày.
Vỏ thân được dùng làm nguyên liệu chiết xuất alcaloid.
Viên Holanin do Viện dược liệu sản xuất là hỗn hợp nhiều alcaloid chiết từ vỏ cây mức hoa trắng (có 30% conessin dùng chữa lỵ).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ môn dược liệu (2011), Bài giảng dược liệu, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Bộ môn dược liệu (1998), Bài giảng dược liệu, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.

No comments:

Post a Comment