Tuesday, 3 April 2012

TẮC KÈ - Gekko gekko L.

TẮC KÈ
Tên khoa học - Gekko gekko L.

Họ Tắc kè - Gekkonidae.
Tên khác: Đại bích hổ, cáp gải, cáp.
Đặc điểm
Tắc kè giống như con "mối rách" hay "thạch sùng", nhưng to và dài hơn, các vây trên da to, nhiều màu sắc. Thân dài 15 - 17 cm. Đầu hẹp hơi hình tam giác, mắt có con ngươi thẳng đứng, 4 chân, mỗi chân có 5 ngón rời nhau nối với thân thành hình chân vịt, mặt dưới ngón có những màng phiến mỏng màu trắng, sờ như có chất dính làm cho tắc kè có thể bám chặt vào tường hay cành cây khi trèo lên.
Đầu lưng, đuôi đều có những vẩy nhỏ hình hạt tròn và hình nhiều cạnh, nhiều màu sắc từ xanh lá mạ đến xanh rêu đen, có khi xanh rêu nhạt hay đỏ nâu nhạt. Mầu sắc của tắc kè còn thay đổi nhiều làm cho phù hợp với môi trường xung quanh. Có lúc trên thân tắc kè có nhiều màu óng ánh, lúc này gọi là tắc kè hoa.
Đuôi tắc kè có thể coi là bộ phận tốt nhất của nó. Nếu đuôi bị đứt hay gẫy, nó có thể mọc lại được.

Phân bố và nuôi tắc kè
Ở nước ta tắc kè sống chủ yếu ở các vùng rừng núi Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hoà Bình, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Định và ở những hải đảo lớn ven biển.
Tắc kè sống trong hang, hốc đá, hốc cây, khe đá, khe hở của mái ngói, mái tranh. Sau khi tắc kè chọn chỗ ở xong mới sống cố định, chúng ở các hang sâu từ 20 - 30 cm hay hơn nữa, mỗi hang có 1 - 2 con, có khi lên tới 20 - 30 con.
Tắc kè hoạt động chủ yếu vào ban đêm. Chúng ưa hoạt động vào những ngày có thời tiết thay đổi, vào lúc sau khi trời mới mưa xong, trời hửng nắng, nhất là vào ban đêm thời tiết mát dịu. Chúng ăn sâu bọ, châu chấu, cào cào, muỗi, bướm, gián, ruồi, nhện, các loại cánh cứng... Về mùa đông khi nhiệt độ 200C, tắc kè sống sâu trong hang, ngủ đông. Mùa xuân đến chúng bắt đầu ra hoạt động từ tháng 3 - tháng 10.
Tiếng kêu: Tắc kè, tắc kè... tắc kè, chúng gọi nhau trong mùa sinh sản. Có thể bắt tắc kè quanh năm, nhưng thường bắt tắc kè vào mùa này. Tắc kè đẻ trứng vào tháng 3 -10, mỗi năm đẻ 3 - 4 lứa, mỗi lứa 2 trứng, sau 3 tháng nở thành con.
Ở Trung Quốc, người ta đã nuôi tắc kè, nhưng những tài liệu công bố thì còn ít. Ở trạm khí tương Sơn Đông, tỉnh Hà Bắc có nuôi tắc kè trong điều kiện bán tự nhiên: ở những nơi có hồ ao quanh năm có nước, đắp một gò đất nổi ở gần bờ với diện tích 3 -4 m2, tuỳ theo số lượng tắc kè định nuôi mà đắp cao từ 0,80 - 1m. Trên gò xếp đá và gạch thành hang tự nhiên, cửa hang không bố trí tho hướng đông bắc để tránh gió vào mùa đông. Trong hang đặt các khúc gỗ đục rỗng giữa để làm hốc cho tắc kè ở. Hốc có chiều sâu từ 0,50 - 0,80 m và hướng dốc ra ngoài để thoát nước khi trời mưa hắt. Dùng đất sét để đắp lên trên thành mái dốc để thoát nước, không dột vào hang; trên cùng, đổ một lớp đất màu và trồng cỏ tạo vẻ tự nhiên. Trên gò nên trồng một cây si hay cây sung là cây hay sống gần hồ nước vừa tạo bóng mát, vừa thích nghi với đời sống của tắc kè, vừa có tác dụng giữ cho đất bờ khỏi lở. Làm một giá treo đèn để nhử muỗi, côn trùng đến làm thức ăn cho tắc kè, cứ 3 - 5 đêm thắp đèn một đêm. Cuối cùng thả tắc kè giống vào tháng 5 - 8 là lúc tắc kè sinh sản. Tại Việt Nam, công việc nuôi mới bắt đầu ở bộ môn Dược liệu trường Đại học Dược Hà Nội bởi GS. Đỗ Tất Lợi, nhưng kết quả còn khiêm tốn, do vậy chưa có nhiều công trình nghiên cứu về lĩnh vực này.
Bộ phận dùng
Dùng cả con còn nguyên cả đuôi, đã bỏ hết nội tạng. Người ta cho rằng đuôi tắc kè là tốt nhất, nếu mất đuôi thì tắc kè rất kém giá trị.
Đuôi tắc kè tái sinh cũng có giá trị chữa bệnh như đuôi tắc kè tự nhiên.
Chế biến
Dùng dưới dạng tươi, sấy hay phơi khô.
Dùng tươi: Chặt bỏ đầu từ 2 mắt trở lên, bỏ bàn chân, lột da, mổ bụng, bỏ mật. Dùng để nấu cháo ăn hay nướng vàng để ngâm rượu.
Dùng khô: Mổ bụng tắc kè, bỏ hết phủ tạng, lau sạch bằng giấy bản, tẩm rượu. Dùng 3 cái que nứa nhỏ, dẹt, 1 cái căng thẳng hai chân trước, 1 cái căng thẳng hai chân sau, 1 cái căng thẳng giữa đầu và đuôi, dùng giấy bản cuộn đuôi với que nứa tránh gẫy đuôi. Đem phơi nắng hay sấy khô ở 50 - 600C đến khô hoàn toàn. Khi sấy nhớ để chúc đầu xuống, để đầu được khô kỹ và đuôi không bị chảy mất mỡ tắc kè. Không được sấy bằng diêm sinh, vì sẽ bị hỏng tắc kè.
Tắc kè phải còn nguyên cả đuôi, không gẫy, không chắp vá, không bị sâu mọt ăn thủng.
Bảo quản tắc kè trong thùng kín, dưới đáy thùng để vôi bột hay gạo rang để hút ẩm.
Thành phần hoá học
Thân tắc kè chứa nhiều chất béo, chúng chiếm 13-15% trọng lượng. Các acid amin, đa số là các acid amin không thay thế được, đó là: lycin, glycin, asparagic, arginin, alanin, cerin, leucin, isoleucin, phenylalanin, prolin, threolin, cystein, valin, histidin và acid glutamic.
Đuôi chứa nhiều lipid, chứa tới 23-25%.
Tác dụng và công dụng
Tắc kè có tác dụng kích thích sự phát triển của cơ thể, làm tăng hồng cầu, tắng huyết sắc tốt, chữa suy nhược cơ thể, ho hen, ho ra máu lâu ngày không khỏi, hen suyễn, chữa liệt dương, người già đau lưng, mỏi gối, làm mạnh gân, cốt, tê thấp, đái dắt, đái són. Có người cho rằng tắc kè là "nhân sâm động vật", vì tác dụng bổ dưỡng của tắc kè ngang với nhân sâm. Có câu: vô nhân sâm, dĩ cáp giới dại chi, nghĩa là không có nhân sâm dùng tắc kè thay thế.
Cách dùng:
Tắc kè tươi: Dùng 50 - 100 g nấu cháo ăn hàng ngày.
Tắc kè khô: Dùng 4 - 5 g bột tắc kè uống làm 2 - 3 lần trong ngày.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ môn dược liệu (2011), Bài giảng dược liệu, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Bộ môn dược liệu (1998), Bài giảng dược liệu, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.

No comments:

Post a Comment