Bạch hoa xà (= cây đuôi công) - Plumbago zeylanica L., họ Đuôi công - Plumbaginaceae.
Cỏ sống dai cao 0,60m lá mọc so le, hình trứng, đầu nhọn, mép nguyên, nhẵn. Hoa màu trắng mọc thành bông ở đầu cành hay kẽ lá. Đài hoa có lông dài, nhớt. Tràng dài gấp 2 lần đài. Mùa hoa gần như quanh năm. Cây mọc hoang khắp nơi ở nước ta.
Thành phần kháng khuẩn: Chất plumbagin (= 2 - methyl - 5 - hydroxy - 1, 4 - naphtoquinon). Plumbagin kết tinh hình kim màu vàng cam từ ethanol đ.c. 78 - 79°C, tan trong các dung dịch kiềm, hơi tan trong nước nóng. Plumbagin cho màu đỏ với sắt ba chlorid và cho dẫn chất acetyl màu vàng đ.c. 117-118°C. Bộ phận chứa plumbagin nhiều nhất là rễ; chiết xuất bằng ether, bốc hơi rồi hòa cắn trong nước nóng, để lạnh plumbagin sẽ kết tinh, tinh chế bằng kết tinh lại trong alcol và ether.
Tác dụng kháng khuẩn: Staphylococcus aureus, Streptococcus pyogenes và Pneumococcus bị kìm hãm ở nồng độ 1:100.000, Mycobacterium tuberculosis ở 1:50.000, Escherichia coli và Salmonella typhi ở 1:10.000. Nếu nồng độ cao hơn thì plumbagin có tác dụng diệt các vi khuẩn trên. Plumbagin còn có tác dụng lên Bacterium typhi, Bacillus subtilis, Candida albicans, Candida tropicalis, Trichophyton ferrugineum và một số vi khuẩn khác. Trong cây còn có chất biplumbagin là một dimer của plumbagin.
Công dụng.
Trong phạm vi nhân dân, cây bạch hoa xà được dùng làm thuốc chữa các bệnh ngoài da, những vết loét, vết thương, chữa ghẻ. Plumbagin đã được Bộ Y tế Liên Xô cũ cho phép dùng làm chất bảo quản để chống vi khuẩn trong các loại nước uống không chứa rượu, làm chất bảo quản các loại đồ hộp, rau quả.
Drosera. Một số loài Drosera thuộc họ Gọng vó - Droseraceae: Drosera rotundifolia L., D. longifolia L., D. intermedia Hayne. Đây là những loại cỏ có các lá mọc thành hoa thị ở gốc, trên lá có phủ lông tuyến để bắt những sâu bọ nhỏ bé. Các loài Drosera trên có chứa plumbagin và droseron (=2-methyl-3, 5 - dihydroxy -1, 4 - naphtoquinon).
Droseron có tác dụng lên Mycobacterium tuberculosis với nồng độ 10- 40mg/ml. Drosera còn có tác dụng chống co thắt do đó được bào chế dưới các dạng rượu thuốc, xirô, thuốc hãm, thuốc cao để chữa ho gà và chữa ho. Ở ta có cây gọng vó - D. indica L. và cây bèo đất (= cỏ tĩ gà) - D. burmanni Vahl. có thể nghiên cứu dùng làm thuốc chữa ho.
TÀI LIỆU THAM KHẢONgô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ và cs. (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
No comments:
Post a Comment