Thursday, 13 February 2014

ĐÀI HÁI

ĐÀI HÁI

Tên khác: Ðài hái, Cây mỡ lợn, Dây sẻn, Dây mướp rừng.
Tên khoa học: Hodgsonia macrocarpa Cogn, thuộc họ Bầu bí (Cucurbitaceae).
Mô tả: Dây leo có thân khoẻ, phân cành nhiều, tua cuốn rất mập, chẻ đôi. Lá mọc so le chia 3-7 thuỳ, đôi khi 5 thuỳ xẻ hình bàn tay, mặt trên màu lục, mặt dưới nhạt. Hoa đơn tính hình ống dài đến 20cm; hoa đực họp thành chùm; hoa cái riêng lẻ ở nách lá. Quả tròn hình cầu hơi có cạnh, to bằng quả bưởi. Hạt 8-12, to, dẹt và khum, có nội nhũ chứa dầu. Hoa tháng 5-7, quả tháng 9-2.
Bộ phận dùng: Hạt (Semen Hodgsoniae Macrocarpae).
Phân bố và thu hái:Cây mọc hoang ở chỗ sáng ven các rừng ở Bắc Bộ, Trung bộ cho tới Gia Lai (An Khê) và Ðồng Nai. Thường được trồng ở vùng núi; trồng bằng hạt hoặc bằng dây vào mùa thu. Hạt thu hái ở những quả già, đập vỡ lấy nhân.
Thành phần hoá học:Hạt chứa nhiều dầu gần giống như mỡ lợn, để lắng thì dầu tách ra thành 2 lớp; lớp trên màu vàng, lớp dưới là chất nhờn.
Tính vị, tác dụng:Nhân hạt Ðài hái có vị đắng ngọt, chất béo, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt và sát trùng.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Dầu hạt và nhân hạt được sử dụng; có thể dùng dầu Ðài hái để rán thay mỡ lợn; nhân hạt có thể thay lạc để nấu xôi hoặc rang giòn rồi giã với muối để ăn với cơm như muối lạc, muối vừng. Dầu hạt Ðài hái có thể dùng uống chữa lỵ, mỗi lần dùng một thìa 4g uống 3, 4 lần thì nhuận tràng thông đại tiện rất tốt. Còn dùng bôi rôm sẩy, lở ngứa hay vết bỏng cũng chóng lành. Hạt được dùng phơi khô, tán bột rắc chữa con vắt, con tắc chui vào tai. Nước sắc thân lá hay nước ép đều có tính kháng sinh, có thể dùng thân lá đốt xông khói chữa loét mũi; dây lá ngâm nước cho thối ra cũng có tính sát trùng mạnh.
Lương y Lê Trần Ðức cho biết đời xưa Ðài hái (Lão bổ đằng) được dùng chữa cảm sốt và giải trúng độc, trong phương thuốc "Hoà giải" của Tuệ Tĩnh (Nam dược thần hiệu - Cảm mạo) phối hợp với các vị Sắn dây, Tía tô, Củ gấu, Dành dành, Tinh tre.

No comments:

Post a Comment