Thursday, 2 February 2012

CHANH-Citrus aurantifolia

CHANH

Tên khoa học: Citrus aurantifolia (Christm. & Panzer) Swingle,
                         Citrus limonia Osbeck

Họ cam - Rutaceae

Đặc điểm thực vật và phân bố

Cây nhỡ, lá mọc so le, mép có khía răng cưa. Hoa trắng mọc riêng lẻ hoặc thành chùm 2 - 3 hoa. Quả hình cầu, vỏ quả mỏng, khi chín có màu vàng nhạt, vị chua.

Có nhiều chủng loại chanh:

+ Chanh giấy: Vỏ quả mỏng, được trồng phổ biến

+ Chanh núm: Quả có núm, vỏ dày

+ Chanh tứ thời: Ra hoa và quả quanh năm

+ Chanh đào: Vỏ quả vàng đỏ, ruột đỏ, vị thơm.

Cây chanh, Citrus aurantifolia, có nguồn gốc ở miền bắc an Độ  và vùng tiếp giáp với Myanma và phía bắc Malaixia. Hiện nay Chanh được trồng ở nhiều nơi trên thế giới thuộc khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Theo thống kê của tổ chức FAO, năm 1988, sản lượng quả chanh trên toàn thế giới khoảng 6 triệu tấn/năm. Ở Đông Nam Á, nước sản xuất nhiều nhất là Thái Lan (53.600 tấn/năm), Lào khoảng 8.000 tấn, Malaixia 3.000 tấn, Campuchia 1.000 tấn và Việt Nam ước tính vài chục ngàn tấn.

Trồng trọt và thu hái

Trồng bằng hạt hoặc chiết cành. Sau 3 năm có thể thu hoạch. Năng suất 24.000kg/ha (Thái Lan). Sau khi thu hoạch cần bảo quản quả tốt và vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

Bộ phận dùng

+ Dịch quả

+ Tinh dầu vỏ quả - Oleum Limettae

+ Tinh dầu lá

Thành phần hoá học

Trong quả chanh có chứa:

+ Acid hữu cơ (acid citric)

+ Vitamin C

+ Cách hợp chất flavonoid (citroflavonoid).

+ Pectin

+ Tinh dầu (0,5% trong vỏ quả).

Lá có chứa tinh dầu 0,09 - 0,11%.

Tinh dầu vỏ chanh, Oleum Limettae, có tên thương phẩm là Lime oil,  là chất lỏng màu vàng đỏ, mùi thơm đặc biệt của chanh, vị đắng. Tinh dầu có các chỉ số: d20: 0,845 - 0,862, nD20 : 1,471 - 1,478, D20: +56 đến +68. Hàm lượng citral 3 - 5%. Thành phần chủ yếu là limonen (90%).
Tinh dầu vỏ chanh được điều chế chủ yếu bằng phương pháp cất, một lượng ít bằng phương pháp ép. Quả chanh khi còn xanh được ép lấy dịch chiết, bã còn lại đem cất lấy tinh dầu. Dịch chiết được dùng để điều chế acid citric. Theo con số thống kê năm 1990, sản lượng tinh dầu chanh được điều chế bằng phương pháp cất là 973 tấn.

Ở Việt Nam, tinh dầu vỏ chanh được điều chế bằng phương pháp cất hoặc chiết bằng dung môi.

Tinh dầu chanh Việt Nam có 28 thành phần: Trong đó có limonen (82%), - và - pinen (6%), terpinen (4,5%), alcol toàn phần (3,8%), aldehyd (citral) (0,33%).

Tinh dầu lá chanh Việt Nam có chứa citral a (geranial) (24,7%), citral b (neral) (6%), borneol (5%), linalol (2,5%), linalylacetat (2,5%), benzaldehyd (6%), caryophylen (34,6%).

Công dụng

Dịch quả chính là thứ nước uống mát, thông tiểu tiện, giúp tiêu hoá, có tác dụng chữa bệnh Scorbut, là nguyên liệu để điều chế acid citric.

Vỏ quả là nguồn nguyên liệu sản xuất tinh dầu và các hợp chất flavonoid. Lá chanh làm gia vị. Rễ chanh chữa ho.

Tinh dầu chanh làm thơm thuốc, dùng trong kỹ nghệ pha chế đồ uống, kỹ nghệ bánh kẹo, kỹ nghệ sản xuất nước hoa và kỹ nghệ hương liệu.

Tinh dầu lá chanh dùng trong kỹ nghệ sản xuất nước hoa, sản xuất mỹ phẩm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), Bài giảng dược liệu, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), Bài giảng dược liệu, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật

No comments:

Post a Comment