Wednesday, 8 February 2012

DÂU-Morus alba L., họ Dâu tầm - Moraceae

DÂU

            Nhiều bộ phận của cây dâu tầm - Morusalba L., họ Dâu tầm - Moraceae, được dùng làm thuốc. Dược điển Việt nam ghi 2 bộ phận dùng: vỏ rễ dâu và lá dâu.
Đặc điểm thực vật và phân bố.
            Cây nhỏ cao 2-3m nếu trồng ở ruộng dâu do thường xuyên hái lá nhưng nếu để cây phát triển lâu năm có thể cao 6-7m hoặc hơn. Lá hình trứng hay chia thuỳ, mọc so le, có lá kèm. Mép lá khiá răng. Hoa đơn tính cùng gốc; hoa đực mọc thành bông có 4 lá đài, 4 nhị; hoa cái cũng mọc thành bông và có 4 lá đài. Quả phức, mọng nước, khi chín màu đỏ rồi chuyển sang màu tím sẫm.
Bộ phận dùng.
1. Vỏ rễ. Cortex Mori Radicis.
            Đào rễ, rửa sạch, bóc lấy vỏ phơi khô. Khi dùng cạo sạch lớp bần bên ngoài, thái nhỏ, tẩm mật, sao cho đến khi hết dính tay.
Thành phần hoá học.
            - Các flavonoid: mulberin (0,15%), mulberochromen (0,2%), cyclomulberin, cyclomulberochromen.
            - Acid betulinic và một số thành phần khác.
Tác dụng và công dụng.
            Dịch chiết nước của vỏ khi tiêm tĩnh mạch trên thỏ thí nghiệm thấy có tác dụng hạ huyết áp rõ, tác dụng này bị cản trở khi tiêm atropin. Dịch chiết ức chế tim ếch và gây giãn mạch tại thỏ. Trên chuột có tác dụng an thần.
            Y học dân tộc cổ truyền dùng làm thuốc chữa ho, hen suyễn, khó thở, thuốc thông tiểu. Dược liệu đưọc ghi vào Dược điển Trung quốc.
            Ngày dùng 6-12g, có thể dùng đến 40 dưới dạng thuốc sắc.
2. Lá. Folium Mori.
            Hái lá bánh tẻ phơi khô.
Thành phần hóa học.
          - Các flavonoid: moracetin (=quercetin-3-triglucosid), quercitrin (=quercetin-3- rhamnossid), isoquercitrin (=quercitrin-3-glucosid).
            - Coumarin: umbelliforon, scopoletin, scopolin.
            Các thành phần khác: carotenoid, trigonellin, adenin, amino acid, acid hữu cơ.
Công dụng:
            Y học dân tộc cổ truyền dùng làm thuốc chữa đường hô hấp trên, ho khan, chóng mặt, nhức đầu, viêm mắt, mắt mờ. Dược liệu được ghi vào Dược điển Trung quốc.
            Ngày dùng 6-18g.
3. Cành - Caulis Mori.
Thành phần hóa học.
- Các flavonoid: Morin (=3,5,7,2',4'-pentahydroxyflavon), dihydromorin, dihydro-kaempferol, mulberin, mulberochromen, cyclomulberin, cyclomulberochromen.
- Tetra hydroxybenzophenon, maclurin (=2,3', 4,4',6 pentahydroxybenzophenon)
- Acid betulinic.
Công dụng:
            Y học cổ truyền dùng làm thuốc chữa viêm khớp, tay chân tê bại.
Quả. Fructus Mori.
            Hái quả chín đỏ, đồ chín, sấy khô.
Thành phần hóa học
- Anthocyanidin glucosid là sắc tố làm cho quả có màu đỏ tím khi chín.
- Vitamin B1, B2, C, các loại đường.
Công dụng:
            Y học dân tộc cổ truyền dùng làm thuốc bổ , chữa các trường hợp mắt mờ, kém ngủ, chóng mặt, bí tiểu và đại tiện. Ngày dùng 12-20g.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), Bài giảng dược liệu, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), Bài giảng dược liệu, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.

No comments:

Post a Comment