Tuesday 28 February 2012

LÔBÊLI-Lobelia inflata L., họ Lộ biên – Lobeliaceae

LÔBÊLI

Tên khoa học: Lobelia inflata L., họ Lộ biên – Lobeliaceae
Cây lôbêli còn gọi là khử đờm thảo.
Đặc điểm thực vật
Cây  thuộc  thảo  sáng  hàng  năm, thân  cây mọc  thẳng,  cao khoảng 60 cm, rỗng giữa, ngoài có lông. Lá nguyên, hình trứng dài, đầu nhọn, mép có khía răng cưa nhỏ không đều, dài 3 – 8 cm, không có cuống hay có cuống rất ngắn. Hai mặt lá đều có lông tơ ngắn. Hoa mọc  thành chùm ở kẽ  lá và ngọn cây, có cuống ngắn, tràng hoa xanh nhạt. Quả nang, có nhiều hạt rất nhỏ màu nâu.
Phân bố và trồng hái
Cây này có nguồn gốc ở vùng phía Đông Bắc Mỹ, mọc ở những rừng thưa và trên những đồng cỏ. Lôbêli được trồng nhiều ở Mỹ và một số nước châu Âu (Hà Lan, Ba Lan, Nga…). Cây được  trồng  bằng  hạt, gieo  hạt  vào  những  luống  riêng  và  sau đó mới đánh cây con đi trồng ở nơi cố định.
Hàm lượng lobelin – alcaloid chính được chiết từ cây lôbêli, cao nhất vào  thời kỳ cây ra hoa. Hàm  lượng alcaloid này sẽ giảm đi nhiều và nhanh về mùa thu khi lá bị héo.    Khi thu hái người ta chỉ cắt lấy phần trên mặt đất của cây. Hàm lượng alcaloid  cao  nhất  ở  phần  ngọn  có mang  hoa,  ở  thân  và  lá  có  ít  nhưng  nó chiếm khối lượng lớn nên vẫn dùng.
Bộ phận dùng và chế biến
Bộ phận dùng là phần trên mặt đất của cây (Herba Lobeliae). Sau khi thu hái đem phơi trong bóng râm cho khô, nếu sấy ở nhiệt độ cao sẽ làm giảm lượng alcaloid.
Dược liệu được cắt thành đoạn nhỏ.
Thành phần hóa học
Trong  cây  lôbêli  có  chừng  0,2  –  0,6%  alcaloid,  trong  đó  lobelia  là alcaloid chính và cũng là chất có tác dụng điều trị quan trọng nhất. Tới nay người  ta đã biết đến  trên 20 alcaloid chiết  từ  lôbêli và được chia làm 4 nhóm:
- Nhóm lobelidion: lobelanin, norlobelamin…
- Nhóm lobelionol: lobelin, lobilin (dạng trans), isolobinin (dạng cis)
- Nhóm lobelidiol: lobelanidin, lobebanidin…
- Nhóm  lobelol:  các  base  chỉ  có  nhóm  thế  ở  vị  trí  2  của  nhân piperidin: 8-phenyllobelol
Tác dụng và công dụng
Lobelin  có  tác  dụng  kích  thích  trung  tâm  hô  hấp ở  hành  tủy,  do  đó được dùng để chữa những trường hợp ngất do hô hấp như gây mê, điện giật, chết  đuối,  ngộ độc oxyd  carbon, bị  ngạt  thở do  hen,  viêm phế  quản,  viêm phổi, ho gà và ngạt thở trẻ sơ sinh.
Vì  lobelin  đưa  vào  cơ  thể  bằng  cách  uống  sẽ  bị  phân  hủy  ngay  nên người ta thường dùng dạng tiêm.
Liều dùng: Lobelin hydroclorid, ống 1 ml có 0,01 g. Tiêm dưới da 1 ống, sau 10 – 15 phút có thể tiêm thêm. Đối với trẻ sơ sinh dưới 4 tháng tuổi dùng 0,003 g, từ 4 – 12 tháng: 0,005 g, trên 12 tháng 0,01 g.
Không được dùng trong bệnh tim, gây mê bằng chloroform và khi dùng procain. Ngoài  ra,  lobelin  còn  được  dùng  để  cai  thuốc  lá  vì  sau  khi  uống lobelin mà hút  thuốc  lá sẽ  tạo  thành  tác dụng cộng hợp  lobelin với nicotin làm người nghiện mất cảm giác thèm và thấy sợ hút thuốc.
Dịch chiết dược liệu dùng làm thuốc chữa hen, thuốc long đờm.
Chú thích: Ngoài  Lobelia  inflata L.  người  ta  còn dùng một  số  loài Lobelia khác cũng có alcaloid như Lobelia urens L., Lobelia cardinalis L., Lobelia syphilitica L.
Ở nước ta có cây Lobelia pyramidalis Wall., còn gọi là cây bã thuốc, mọc hoang ở vùng núi Sapa, Mù Căng Chải (Lào Cai). Nhân dân địa phương thường dùng lá giã nát hay bấm lá tươi lấy nhựa bôi lên những mụn nhọt, những chỗ sưng tấy, áp se.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), Bài giảng dược liệu, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ và cs. (1998), Bài giảng dược liệu, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật. 

No comments:

Post a Comment