LỰU
Tên khoa học của cây lựu: Punica granatum L. họ Lựu – Punicaceae
Cây lựu còn gọi là thạch lựu, bạch lựu, tháp lựu.
Đặc điểm thực vật
Cây lựu thân gỗ, cao chừng 3-4m. Cây nhỏ, cành mền, có khi có gai. Lá dài nhỏ, mềm, nhỏ, đơn, mép lá nguyên, cuống ngắn, thường mọc đối hoặc so le. Hoa hình cái loa 5 cánh màu đỏ, cũng có thứ màu trắng (bạch lựu) mọc riêng hoặc xim có độ 3 hoa, hoa có cuồng ngắn. Đế hoa hình chuông mang 4-8 lá đài màu đỏ, thoạt tiên mọc đứng rồi xòa ra sau khi hoa nở. Cánh hoa bằng số lá dài xen kẽ nhau mỏng. Bộ nhị gồm nhiều nhị rời nhau. Bộ nhụy gồm 8-9 lá noãn dính liền với đế hoa. Hoa nở vào mùa hè. Quả hình cầu to bằng quả cam, đầu quả còn 4-5 lá đài tồn tại. Vỏ dày, khi chín có màu vàng đỏ lốm đốm. Trong quả có 8 ngăn xếp thành 2 tầng. Tầng trên có 5 ngăn, tầng dưới có 3 ngăn, cách ngăn phân cách bởi các màng mỏng. Trong có nhiều hạt hình 5 cạnh màu trắng hồng.
Phân bố và trồng hái
Cây lựu có nguồn gốc ở các nước miền nam châu Á, được trồng khắp nơi, nhất là ở các nước có khí hậu ấm.
Lựu trồng bằng cách giâm cành. Cách bón phân khác nhau cũng làm cho tỷ lệ alcaloid trong cây thay đổi. Có tác giả đã chứng minh:nếu bón bằng calci superphosphat tỷ lệ alcaloid sẽ có 0,53% (ở cành ) và 0,75% (ở rễ ). Nếu bón sắt sulfat thì tỷ lệ alcaloid là 0,42% (ở cành) và 0,63% (ở rễ). Nếu bón amoni sulfat thì tỷ lệ alcaloid là 0,57% (ở cành) và 0,61% (ở rễ ).
Thu hoạch vỏ quả vào mùa hạ, vỏ thân, vỏ rễ quanh năm.
Bộ phận dùng, chế biến và bảo quản
Quả dùng để ăn
Vỏ rễ, vỏ thân (Cortex Granati)
Vỏ quả
Chế biến:
Vỏ rễ: Đào rễ rửa sạch, bóc lấy vỏ, bỏ lõi, phơi hoặc sấy khô
Vỏ thân: Bóc lấy cỏ, đem phơi sấy khô.
Vỏ quả: Khi còn tươi,bỏ màng trong,thái mỏng, phơi sấy khô.
Vỏ rễ lựu là những miếng không đều, cong hình long máng hay cuộn thành ống, kích thước thay đổi, dày khoảng 1cm. Mặt ngoài mặt xám vàng có những vẩy bẩn to, đôi chỗ bị nứt nẻ. Ở vỏ thân mặt ngoài đôi khi nhẵn, thường mang bì khổng và địa y. Mặt trong nhẵn màu vàng hơn. Vết bẻ không có xơ, màu vàng nhạt. Cắt ngang thấy vùng libe có nhiều vân ngang và dọc chia thành ô vuông rất đặc sắc. Không có mùi, vị chát sau hơi đắng.
Vi phẫu
1. Lớp bần khá dày, gồm tế bào hình chữ nhật dẹt.
2. Mô mềm vỏ có tế bào hình nhiều cạnh, xếp dài theo hướng tiếp tuyến. Trong mô mềm có tinh thể calci oxalat và tế bào mô cứng to.
3. Libe rất phát triển, gồm tế bào chứa tinh thể calci oxalat và các tế bào chứa tinh bột xếp thành hang xen kẽ nhau đều đặn.
4. Tia tủy hẹp, một dãy, loe rộng ra phía ngoài, cắt libe thành bó hình nón.
Bột
Màu đỏ nâu, vị hơi chát. Soi kính hiển vi thấy: mảnh mô mềm gồm tế bào chứa calci oxalat xen kẽ với tế bào chứa tinh bột. Mảnh bần gồm tế bào màu vàng, thành dày. Tình thế calci oxalat hình cầu gai. Hạt tinh bột đứng riêng lẻ, đường kính 2-4 μm. Tế bào mô cứng thành rất dày có ống trao đổi rõ.
Bảo quản: để nơi khô ráo,mát
Thành phần hóa học
Vỏ rễ, vỏ thân và cành của cây lựu chứa khoảng 0,3 – 0,7% alcaloid toàn phần: alcaloid chính là pseudopelletierin; các alcaloid phụ là N-methylisopelletierin và isopelletierin ở nhiệt độ thường ở thể lỏng. Một alcaloid với tên là pelletierin (C8H15ON) do Tanret tìm ra trước đây, nay nhiều tác giả cho rằng nó không có trong vỏ lựu. Ngoài ra Vibau và Honstai (1956, 1957) đã phân lập được 3 chất mới: C7H9ON, C9H17O2N và C10H19O2N cấu trúc chưa xác định rõ. Ở phần gỗ có rất ít alcaloid, ở lá non không có alcaloid như trong vỏ quả mà chỉ có những dẫn chất piperidin không bền vững.
Tất cả các bộ phận của cây lựu đều có tanin, ở vỏ chứa 20-25%,ở vỏ quả chứa khoảng 25%, chúng thuộc loại tanin thủy phân được, cấu tạo cơ bản của tanin là acid elagic, một ít galic và glucose. Smit cà Fiso đã chứng minh cấu tạo cơ bản của tanin ở vỏ quả là flavogallol. Ở lá có nhiều acid elagic và ít tanin tương tự như ở vỏ và vỏ quả.
Ngoài ra, trong tất cả các bộ phận của cây lựu còn chứa các chất tritecpen tự do và một ít các chất sterin; ở lá có 0,45% acid ursolic, 0,2% acid betulic và β – sitostein; ở vỏ quả có 0,6% acid ursolic; ở hạt có β – sitostein và 17 phần triệu oeston.
Kiểm nghiệm:
1. Định tính: Nhúng vỏ vào nước, vạch lên tờ giấy sẽ thấy một vết màu vàng, nhỏ lên vết này một giọt dung dịch sắt (III) clorid màu sẽ chuyển thành đen.
Ngoài ra còn có thể định tính alcaloid chiết vỏ lựu bằng phản ứng với thuốc thử chung, sắc ký giấy hoặc sắc ký lớp mỏng
2. Định lượng:
Theo nguyên tắc: chuyển alcaloid trong vỏ lựu ra dạng base bằng MgO rồi chiết bằng chloroform, bốc hơi dung môi choloroform, cho một lượng dư acid chuẩn độ vào hòa tan cắn alcaloid rồi định lượng acid thừa bằng kiềm tương ứng, dùng methyl đỏ làm chỉ thị màu.
Tác dụng dược lý
Tanin là chất có tác dụng làm săn da và sát khuẩn mạnh.
Muối isopelletierin có tác dụng tẩy sán, với nồng độ 1/10000 làm sán chết trong 5-10 phút. Có tác dụng co mạch, làm tăng huyết áp, liều nhỏ tăng co bóp của tim ếch cô lập, liều lớn có tác dụng ức chế. Liều DL50 tiêm vào tĩnh mạch thỏ 0,3g/kg thể trọng thấy hưng phấn chút ít rồi co quắp cơ, sau liệt hô hấp rồi chết.
Trong số các alcaloid ở vỏ lựu, có tác giả cho rằng isopelletierin mới có tác dụng chữa sán còn pseudopelletierin và N – methyllisopelletierin thì hầu như không có tác dụng. Có tác giả cho rằng pseudopelletierin có tác dụng kém hơn isopelletierin 2-3 lần.
Nước sắc vỏ quả lựu pha loãng trong ống nghiệm với nồng độ 1/2560 có tác dụng ức chế vi khuẩn Bacillus diphtheriae, với nồng độ 1/1280 ức chế cầu khuẩn Staphylococcus aureus có tác dụng ức chế khuẩn lỵ Bacillus dysenteriae và vi khuẩn biển hình Bacillus proteus.
Nước ngâm vỏ lựu pha loãng trong ống nghiệm với nồng độ 1/40 có tác dụng ức chế các vi khuẩn Epidermophyton và các vi khuẩn Dermatophyte.
Cộng dụng và liều dùng
Làm thuốc chữa sán (phụ nữ có thai và trẻ em không nên dùng). Có thể dùng vỏ rễ, vỏ thân hoặc alcaloid đã chiết ra dưới dạng tinh khiết, nhưng vì alcaloid tinh khiết độc nên thường dùng dạng nước sắc dược liệu do alcaloid kết hợp với tanin thành hợp chất ít tan, tác dụng đối với sán ở trong ruột, ít làm mệt cơ thể. Tuy nhiên uống vỏ hơi khó uống. Dùng vỏ mới đào vì vỏ tươi có nhiều alcaloid tác dụng mạnh, nhiều tác giả cho rằng vỏ khô hiệu lực giảm. Ngày dùng 20 – 60 g, dạng thuốc sắc.
Ngoài ra, còn dùng nước sắc vỏ rễ và vỏ thân cây ngâm chữa đau răng.
Nước sắc vỏ quả dùng chữa lỵ, bạch đới, chữa kinh nguyệt quá nhiều; ngày dùng 15 – 30g. Người ta dùng nước sắc vỏ quả ngậm và súc miệng chữa viêm amidan.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ và cs. (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
No comments:
Post a Comment