HỔ
Tên khác: Hùm, cọp, beo, ông ba mươi, ông kễnh.
Tên khoa học: Panthera tigris L.
Họ Mèo - Felidae.
Căn cứ vào đặc tính hình thái, màu sắc, đường vằn, bộ lông người ta đã chia hổ thành 8 loài khác nhau:
- Panthera tigris altaica (Hổ Sibiri, Amua và Đông Bắc Trung Quốc).
- P. tigris amoyensis ( Hổ nam Trung Quốc).
- P. tigris corbitti (Hổ Đông Dương).
- P. tigris sumatrae (Hổ Sumatra).
- P. tigris tigris (Hổ Bengal) và ba loài bị tuyệt chủng:
- P. tigris balica
- P. tigris sondaica
- P. tigris vigata.
Đặc điểm và phân bố
Trong họ Mèo, hổ là loài động vật to, khoẻ nhất. Hổ có đầu to, tròn, cổ ngắn, tai nhỏ, ngắn. Bộ chân to, khoẻ, móng rất nhọn và sắc, đuôi dài bằng nửa thân (thân dài khoảng 1,5 - 2 m, đuôi dài khoảng 0,75 - 1 m), trọng lượng trung bình một con hổ là 150 - 200 kg, có thể tới 300 kg. Lông hổ màu vàng, đôi khi vàng sẫm hơi nâu đen, có vằn đen hoặc nâu đen, phía bụng và phía chân có lông trắng, vạch đen, chân trước ít đốm hơn chân sau. Toàn đuôi có vòng nâu đen không đều. Hổ có khả năng trèo cây, nhưng ít khi trèo, chỉ khi gặp nguy hiểm chúng mới trèo cây. Hổ có khả năng bơi lội và chạy, nhảy rất xa. Người ta thường nói hổ là "Chúa sơn lâm".
Hổ ăn các động vật như hươu, nai, lợn, chó, trâu, bò và ăn cả người...
Hổ có mặt ở khắp các tỉnh miền núi nước ta. Hiện nay chỉ còn ở các tỉnh có rừng núi hẻo lánh thuộc biên giới Việt - Lào, Lâm Đồng, Nghệ An, Quảng Trị. Hổ sống chủ yếu ở các khu rừng già có nhiều cỏ tranh, lau, cây bụi. Chúng thường sống một mình, đến mùa sinh sản chúng mới cặp đôi. Mỗi con có thể sinh 2 - 4 con. Khi có con chúng sống 3 - 4 năm với con đến khi con trưởng thành.
Trên thế giới, hổ sống ở nước Nga, các nước cộng hoà của Liên bang Xô Viết cũ, Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên, Iran, Myanma, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan.
Bộ phận dùng
Hổ có giá trị kinh tế và chữa bệnh cao. Người ta thường dùng:
- Thịt hổ ăn ngon và bổ.
- Da hổ dùng để trang trí hay nhồi làm hổ mẫu hay triển lãm.
- Xương hổ (Hổ cốt - Os tigris). Bộ xương hổ đầu đủ gồm các loại xương còn nguyên chi tiết, xương khô, trong rỗng, màu trắng ngà.
Một bộ xương hổ có trọng lượng trung bình từ 7 - 10 kg, trong đó quí nhất là xương của 4 chân chiếm 45 - 52% và xương đầu chiếm 15% so với toàn bộ khối lượng bộ xương.
Một đặc điểm rất đặc biệt là: Hai xương cánh chân trước, mỗi chiếc hơi vặn ở khuỷu, có 1 lỗ hình bầu dục gọi là "Mắt phượng" hay "Thông thiên"; răng hàm có 3 đỉnh nhô lên, gọi là "tam sơn". Người ta đã sơ kết và đưa ra: một bộ xương hổ thưởng phải đạt các yêu cầu sau đây:
Xương 4 chân | 3390 g | Xương đầu | 1000 g |
Xương sống | 900 g | Xương sườn | 355 g |
Xương chậu | 355 g | Xương bả vai | 20 g |
Xương đuôi | 146 g | Xương bánh chè | 30 g |
Ngoài các đặc điểm trên chúng ta còn gặp xương hổ có những xương đặc biệt khác:
Xương đầu có bề ngang rộng, mõm ngắn (gần giống như xương đầu của con mèo), có gờ nổi dọc giữa sọ, đầu hơi tròn, trán phẳng do hai gò má rộng, hàm trên có 16 răng (2 răng cửa, 2 răng nanh, 8 răng hàm), hàm dưới có 14 cái. Răng hàm như đã mô tả ở trên, 2 răng nanh rất phát triển hơi cong vào trong. Xương cổ có 7 đốt (đốt thứ nhất xoè hình bướm, đốt 5, 6, 7 đều nhỏ, gai thẳng dài ở giữa), xương sống có 20 đốt và 3 đốt xương cùng, xương sườn gồm 13 đôi (xương sườn, đầu nối với đốt sống hơi vặn, có gờ sắc), xương đuôi gồm 13 đôi. Xương chân: chân trước gồm hai xương bả vai, hai xương cánh hơi vặn, có mắt phượng như trên đã mô tả, hai xương đùi phía trên có đầu hình búa ăn khớp với xương chậu, hai xương ống và 2 xương mác nhỏ dài như chiếc đũa, xương bàn chân trước (kể cả xương cổ chân, bàn chân và các ngón là 20). Xương bàn chân sau có 4 ngón gồm 16 đốt, hai xương bánh chè nhỏ hình trứng, xương xén, khối xương cổ chân và các xương ngón.
Chế biến
Phương pháp nấu cao hổ
Chọn xương đạt tiêu chuẩn, đó là xương trắng ngà để lâu hơi vàng, hổ to xương càng nặng càng tốt.
Xương không tốt là xương hổ bị chết lâu ngày xương trắng bợt, nếu ngâm nước lâu xương bị ải. Hổ chết vì tên độc không nên dùng.
Tiến hành
Làm sạch xương: Bỏ hết sạch thịt, gân, tuỷ: nếu xương còn lẫn thịt thì cho vào thùng hay chảo, cho nước vôi loãng vào đó (theo tỷ lệ 100 kg xương, thêm 0,50 kg vôi sống), thêm nước vừa đủ ngập xương, đun sôi, rồi tắt lửa, ngâm 1 đêm, đem ra rửa, cạo sạch thịt, gân. Có thể luộc xương có thịt, gân... với lá đu đủ non làm tiêu thịt, gân. Sau đó dùng bàn chải, trấu, cát đánh cho sạch thịt, gân rồi rửa kỹ, đem phơi hay sấy khô xương. Sau đó cưa xương thành từng khúc ngắn (khoảng 5 - 6 cm), chẻ dọc làm 2 - 3 mảnh nhỏ, xương nhỏ thì đập dập. Đem luộc sôi với dung dịch acid acetic (giấm), cứ 10 kg xương thì dùng 3 lít giấm, thêm nước cho đủ ngập xương để cho tuỷ mềm ra, rồi loại tuỷ cho sạch, rửa sạch, để khô ráo.
Tẩm: Lấy 10 kg lá cải đã giã nhỏ, trộn với 5 lít nước, tẩm với 100 kg xương hổ.
Hoặc là, lấy 1 kg lá trầu không đã giã nhỏ trộn với 3 lít nước, tẩm vào 100 kg xương hổ, để 1 ngày đêm, lấy ra phơi khô. Cũng làm như trên nhưng thay rau cải bằng gừng, số lượng như nhau. Hoặc là tẩm bằng 10 lít rượu 400 cho 100 kg xương, để ráo.
Nấu và cô cao: Ít khi người ta nấu cao chỉ có xương hổ, mà thường phối hợp 1 bộ xương hổ với 1 bộ xương gấu, 1 bộ xương sơn dương, 1 bộ xương khỉ, hay là 5 bộ xương sơn dương và 2 bộ xương hổ hay gọi là ngũ dương nhị hổ. Cách nấu:
Xếp xương vào thùng hay chảo, ở giữa đặt cái rọ tre đan hay ống nhôm tròn có đục lỗ xung quanh để có thể rút, hay múc nước cốt ra mà không cần dỡ xương ra. Cho nước vào nồi cao đến ngập xương 10 - 15 cm. Đun lửa cho sôi đều suốt 1 ngày đêm (24 giờ) (trong quá trình đun luôn bổ sung nước sôi để giữ mực nước luôn luôn ngập xương) lấy nước 1 ra. Tiếp tục cho nước sôi mới vào thùng xương đến ngập xương như trên, tiếp tục đun sôi như trên 24 giờ, được nước 2, dồn vào với nước 1, cô ở một nồi khác. Tiếp tục làm như trên để được nước 3. Gộp vào thùng cô, cô đến khi lấy 1 giọt cao cho vào bát nước lạnh, cao không tản ra, lấy ngón tay vén cao lại, giọt cao vẫn giữ nguyên là được. Còn thùng xương tiếp tục đun nước 4 trong 12 giờ, nước cao này dùng để pha rược hay để dành cho vào thùng cao sau.
Đóng bánh cao
Khi thùng cao đã chuẩn bị xong đổ vào một cái khay tráng men, hay khay nhôm, đã trải một lớp giấy bóng kính đã được phết một lớp rất mỏng dầu lạc hay dầu vừng, để nguội, cắt thành thành từng bánh, có trọng lượng khoảng 100g. Mỗi gói có nhãn hiệu, bọc bằng giấy bóng kính để bảo quản.
Thành phần hoá học
Cho đến ngày nay các công trình nghiên cứu về thành phần hoá học của xương hổ còn rất ít, một vài tài liệu công bố trong xương hổ có calci phosphat, protid. Trong cao hổ nguyên chất có chứa 14 -17% nitơ toàn phần, 0,60 - 0,70% acid amin, 20 - 26% độ ẩm, 2,60% độ tro, 0,70% clo tính bằng HCl, 5 phần triệu As, 0,08% Ca và P...
Kiểm nghiệm
Chưa có tài liệu nghiên cứu.
Tác dụng và công dụng
Xương hổ và cao hổ có tác dụng bổ dương, trừ phong hàn, mạnh gân cốt, giảm đau nhức, trừ thấp.
Cao hổ và xương hổ là các vị thuốc kinh điển trong y học cổ truyền. Người ta dùng để chữa các bệnh đau nhức gân xương, phong tê thấp, cơ thể suy nhược, mệt mỏi, bán thân bất toại, đi lại khó khăn, chân tay ra mồ hôi. Dùng cho người già yếu, người mới ốm dậy, khi trở trời đau nhức chân tay, xương khớp.
TÀI LIỆU THAM KHẢOBộ môn dược liệu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Bộ môn dược liệu (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
No comments:
Post a Comment