1. Phổ tử ngoại và khả kiến
Sự hấp thu năng lượng điện từ trong vùng sóng ánh sáng tử ngoại gần (190 – 400 nm) và khả kiến (400 – 780 nm) của các chất gây ra sự chuyển dịch của các điện tử từ trạng thái cơ bản lên trạng thái kích thích. Biểu đồ biểu diễn sự tuơng quan giữa cường độ hấp thu theo bước sóng của một chất được gọi là phổ UV – Vis của chất ấy trong những điều kiện xác định.
Các chất có các điện tử linh động như л, p có khả năng hấp thu tử ngoại trong vùng tử ngoại gần, các điện tử càng linh động có năng lượng kích thích càng thấp có bước sóng hấp thu chuyển về phía bước sóng dài hơn, về phía ánh sáng khả kiến. Các chất có ít nối đôi có hấp thu ở bước sóng ngắn dưới 220nm có ít giá trị trong việc so sánh phổ. Các chất có phổ UV – Vis có giá trị so sánh là các chất có nối đôi, hệ thống nối đôi liên hợp hay các nối đôi trong hệ thơm và các nối 3. Các nhóm hợp chất khác nhau có thể phân biệt đuợc bởi dạng phổ, các giá trị cực lại (λmax), cực tiểu (λmin) hấp thu và cường độ hấp thu của chúng (biểu thị bằng độ hấp thu phân tử ε hay độ hấp thu của dung dịch 1% với bề dày lớp dung dịch là 1cm E1cm1%). Tuy nhiên, các chất có khung cơ bản ít có sự khác biệt về dạng phổ và λmax, λmin nên khó phân biệt với nhau.
Trong dược liệu, các nhóm chất có cấu trúc thơm như anthraquinon, flavonoid, coumarin, tanin và các hợp chất có nối đôi như alkaloid, nối đôi liên hợp như các carotennoid... có các dạng phổ tử ngoại – khả kiến đặc trưng, có thể giúp xác định các nhóm chất, hay trong một số trường hợp, để so sánh phổ định danh các chất. Các nhóm hợp chất như saponin, chất béo hấp thu tử ngoại ở vùng gần 200 nm thường chỉ được dùng như một detector để phát hiện các chất trong hệ thống sắc ký.
Do cấu trúc đơn giản, rẻ tiền nên hiện nay các quang phổ kế UV – Vis vẫn còn được dùng là detector thông dụng nhất cho sắc ký lỏng cao áp hay điện di mao quản để phát hiện, định tính và định lượng các chất trong dược liệu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ môn dược liệu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Bộ môn dược liệu (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
No comments:
Post a Comment