Friday, 10 August 2012

Kiểm nghiệm vi học Hoàng kỳ-Astragalus membranaceus


2.2.6. Hoàng kỳ

Radix Astragali membranacei

Rễ phơi hay sấy khô của cây Hoàng Kỳ Mông Cổ (Astragalus membranaceus(Fisch.) Bge. var. mongholicus (Bge.) Hsiao, hoặc cây Hoàng kỳ Mạc Giáp (Astragalus membranaceus (Fisch.) Bge.), họ Đậu (Fabaceae).
Đặc điểm dược liệu
Rễ hình trụ tròn, trên to, phần dưới nhỏ dần. Đầu nhỏ phân làm nhiều nhánh nhỏ. Rễ dài 40 - 50cm, đường kính 1 - 3,5cm. Mặt ngoài màu nâu sáng có vân dọc nhỏ. Chất rắn, dẻo chắc, có bột, bẻ ra có nhiều xơ nhỏ. Mặt cắt ngang phẳng có lớp ngoài màu trắng ngà, hơi xốp, trong ruột màu vàng nhạt.
Đặc điểm vi phẫu
Lát cắt ngang hình tròn. Mép ngoài uốn lượn. Nhìn từ ngoài vào trong thấy: Lớp bần gồm 15 - 16 hàng tế bào sắp xếp lộn xộn. Mô mềm cấu tạo từ những tế bào thành mỏng, các tế bào bên ngoài bị ép bẹt. Libe xếp thành dải kéo dài sát hoặc gần sát bần, sợi libe tạo thành bó. Tầng phát sinh libe - gỗ gồm 2 - 3 hàng tế bào xếp thành vòng tròn liên tục, ứng với mỗi bó libe là bó gỗ tạo thành dải kéo dài vào tận trung tâm, các mạch gỗ kích thước không đều. Trên các dải gỗ có nhiều bó sợi gỗ. Các bó libe - gỗ xếp thành hình nan hoa, ngăn cách giữa chúng là các tia ruột gồm 5 - 7 hàng tế bào.
Đặc điểm bột dược liệu
Bột màu trắng ngà mùi thơm nhẹ, vị ngọt. Soi dưới kính hiển vi thấy: Mảnh mô mềm chứa tinh bột (1). Sợi xếp thành từng bó hoặc nằm rải rác, trên các sợi có tinh thể calci oxalat hình khối xếp thành hàng (2). Hạt tinh bột đơn, kép đôi, kép ba đứng riêng lẻ (3) hay tạo thành khối trong các mô. Tinh thể calci oxalat hình khối kích thước khoảng 0,01mm (4). Các mảnh mạch điểm hoặc mạch vạch (5), rải rác có các mảnh bần (Hình 2.2.6).
Ghi chú: Một số địa phương ở nước ta sử dụng rễ Cây vú chó (Ficus heterophylla L.)  với tên gọi Hoàng kỳ nam và công dụng như Hoàng kỳ.

No comments:

Post a Comment