Không chỉ Cao Bằng đứng trước tình trạng "chảy máu" dược liệu quý, nhiều tỉnh khác như Lào Cai, Lạng Sơn, Bắc Kạn… cũng rơi vào cảnh tương tự. Nguy cơ "thần dược" bị tận diệt đang hiện hữu.
Khai thác vô tội vạ:
Trong quá trình tìm hiểu tình trạng "chảy máu" dược liệu quý, chúng tôi tiếp tục nhận được thông tin từ Lạng Sơn về việc hàng chục loại thuốc quý có tên trong Sách đỏ của Việt Nam đang lũ lượt "kéo nhau" qua Trung Quốc.
Không giấu nổi sự lo lắng trên khuôn mặt, ông Trần Văn Tuyến - Chủ tịch Hội Đông y huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) cho biết: Từ thập kỷ 80 - 90 của thế kỷ trước trở lại đây, nạn khai thác dược liệu trở nên rầm rộ và tùy tiện hơn. Các loại cát sâm, ba kích, kê huyết đằng, thổ phục linh, đỗ trọng nam.... đều bị khai thác, mua bán tự do mà không có một cơ quan chức năng nào kiểm soát.
Đến nay, ở nước ta có những loại dược liệu bị khai thác đến cạn kiệt, có khả năng tuyệt chủng như: Hoàng đàn, dây trầm, kim ngân (huyện Yên Định và Hữu Lũng của tỉnh Lạng Sơn); củ ba kích (Đô Lương, Nghệ An); đỗ trọng nam (Lương Sơn, Hòa Bình). Ngay đến củ bình vôi, từ năm 2000 trở lại đây đã bị khai thác đến cạn kiệt với hàng ngàn tấn xuất qua biên giới mỗi năm.
Nói đến chuyện "chảy máu" dược liệu ở Cao Bằng không thể không nhắc đến một số điểm thu mua tại xã Bế Triều (huyện Hòa An) với số lượng lên đến hàng trăm tấn/điểm/năm. Tại đây cây thuốc được phơi bạt ngàn trên sân, chất hàng đống như núi, sau đó lần lượt được xe tải vận chuyển sang Trung Quốc tiêu thụ.
Ngay tại thị trấn Sa Pa (Lào Cai), la liệt các cửa hàng, quầy hàng dược liệu ở khắp nơi trong thị trấn. Hầu hết các chủ cửa hàng đều cho biết, thuốc ở đây mua lại của bà con lấy từ rừng Hoàng Liên Sơn.
Ông Nguyễn Tuấn Anh ở phố Mới, Thành phố.Lào Cai chuyên lên Sa Pa mua dược liệu thổ lộ: "Khi có khách đặt hàng thì lên đây mua loại nào cũng có, mua của đại lý thì đắt hơn mua của người dân một ít. Nhưng để có nhiều và nhanh các dược liệu quý thì tôi mua ở đại lý". Dược liệu mua được, ông Anh chuyển về tập kết ở Thành phố Lào Cai, sau đó bán cho các thương gia Trung Quốc qua cửa khẩu Hà Khẩu.
Nguy cơ bị tận diệt:
Cùng chung vấn nạn "chảy máu" dược liệu quý còn có tỉnh Bắc Kạn. Được biết, dược liệu quý hiếm người dân khai thác hầu như không sử dụng tại chỗ mà bán cho các cơ sở thu mua, rồi họ vận chuyển đi đâu không ai biết.
Người dân khai thác tràn lan, ồ ạt. Mỗi khi nông nhàn, người dân lại rầm rộ kéo nhau vào rừng, lên núi khai thác dược liệu quý về bán kiếm lời.
Vợ chồng chị Nông Thị Niên ở xã Hảo Nghĩa, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn từ hai bàn tay trắng, sau mấy năm đứng ra thu mua dược liệu của người dân rồi bán lại cho các "đầu nậu", đến nay đã mua được ô tô để làm phương tiện vận chuyển dược liệu.
Vợ chồng chị tuyển công nhân, xây dựng lò sấy, máy băm để sơ chế thuốc. Vào mùa vụ (cuối thu, đầu đông), lượng hàng dược liệu của gia đình chị lên tới hàng trăm tấn. Hay ngay tại một đầu mối thu mua dược liệu ở phường Sông Cầu, thị xã Bắc Kạn, cửa hàng luôn chất đầy dược liệu, người bán luôn tấp nập.
Bắc Kạn là tỉnh miền núi có rừng tự nhiên chiếm tới 56% diện tích, có nguồn dược liệu quý và phong phú, đa dạng với khoảng 1.000 loài, trong đó nhiều loài có trữ lượng lớn, giá trị kinh tế cao như thổ phục linh, kê huyết đằng, cát sâm, bình vôi, khúc khắc, bách bộ.... nhưng tất cả đều đang bị khai thác tràn lan, cạn kiệt dần.
Lợi nhuận từ việc khai thác, bán các loại thần dược ở các tỉnh miền núi phía Bắc là không nhỏ, vì thế rất nhiều người dân bỏ công việc đồng áng, nương rẫy để đi. Tuy nhiên, hầu hết họ không hiểu được giá trị thực của các loại dược liệu quý hiếm, việc sử dụng đúng mục đích sẽ mang lại lợi ích như thế nào.
Ông Nông Phúc Chinh - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Bắc Kạn cho biết: "Các loài cây dược liệu quý như đào rừng có tác dụng điều trị các bệnh về xương khớp, cây ban lá điều trị tim mạch, cây bình vôi điều trị các bệnh về dạ dày và đường ruột, cây bàn tay ma điều trị về gan mật, cây hoài sơn đỏ điều trị chứng u xơ.... Điểm chung hiện nay là chúng đã bị khai thác quá mức nên ngày càng trở nên hiếm, rất khó tìm".
Việc khai thác vô ý thức, buôn bán tràn lan các loại dược liệu quý hiếm khiến dược liệu tự nhiên đang đứng trước nguy cơ tuyệt diệt. Việc khan hiếm dược liệu quý hiếm đã thể hiện rõ, các con buôn lại đẩy giá lên cao để kích thích bà con tiếp tục khai thác, nên điều tất nhiên dược liệu sẽ càng cạn kiệt nhanh chóng. Vấn đề đặt ra cấp bách là các cơ quan chức năng phải có chiến lược và kế hoạch hành động để bảo tồn.
Theo Thắng Quang
No comments:
Post a Comment