DÂY MẬT
( Dây thuốc cá)
Radix Derris
Bộ phận dùng là rễ cây dây mật - Derris elliptica Benth., họ Đậu- Fabaceae
Đặc điểm thực vật.
Loại dây leo to, dài có thể đến 10m. Lá kép lông chim 1 lần lẻ. Lá chét to, khi non mềm. Hoa nhỏ, màu hồng 10 nhị một bó. Quả dẹt dài 4-8cm.
Cây mọc hoang phổ biến ở vùng rừng núi nước ta. Các nước Malaysia, Myanmar, Indonesia, An độ, Srilanka đều có cây mọc hoang và có trồng .
Trồng trọt.
Tương đối dễ trồng, khí hậu ở nước ta là thích hợp (nóng, ẩm), cây ưa đất sét pha cát, nhiều mùn. Trồng bằng dâm cành. Hiện nay đang được trồng để khai thác tại tỉnh Hậu Giang.
Thu hái:
Rễ, thu hoạch vào cuối năm thứ hai, nhổ lấy rễ, không bỏ rễ con vì rể con chứa nhiều hoạt chất. Sau khi thu hoạch phải sấy khô, để ẩm hoạt chất chóng bị phá huỷ.
Thành phần hóa học
Hoạt chất chủ yếu là rotenon. Công thức gồm 5 vòng: 2 vòng A và B là 2 vòng benzen, vòng C là vòng dihydropyron, vòng D là vòng dihydropyran và vòng E là vòng dihydrofuran. Như đã trình bày ở phần đại cương, rotenon thuộc dẫn chất isoflavonoid. Rotenon kết tinh hình lăng trụ, không màu, quay trái, khó tan trong nước (1,6.10–5 g trong 100ml nước), hơi tan trong alcol và ether, rất tan trong aceton, benzen và chloroform. Nếu tiếp xúc với ánh sáng và không khí thì rotenon dễ bị hỏng vì một phần bị chuyển thành deshydrorotenon do mất 2H ở vị trí 6a, 12a. Nếu oxy hoá bằng permanganat thì cũng xảy ra như vậy. Rotenon cũng dễ bị hỏng ở môi trường kiềm. Tỉ lệ rotenon trong rễ cây khoảng 4-8%.
Trong dây mật ngoài rotenon còn có những dẫn chất có rotenoid khác: sumatrol, deguelin, tephrosin, toxicarol, elleptinol, 12a-hydroxyrotenon.
Định tính rotenon.
- 0,5g bột rễ thêm 5ml chloroform, lắc để chiết rotenon, lọc. Dịch lọc đem bốc hơi trên kính đồng hồ. Thêm vài giọt H2SO4 đậm đặc, sẽ có màu vàng cam ngả sang màu tím khi thêm vài hạt natri nitrit.
- Dung dịch 1 phần ngàn rotenon trong acteon thêm acid nitric, một ít nước rồi kiềm hoá bằng ammoniac, sẽ xuất hiện màu xanh lơ rõ nhưng không bền.
- Muốn định tính trên vi phẫu thực vật thì tiến hành như sau: nhúng vi phẫu trong acid nitric loãng 1/1 trong 30 giây, vớt ra, đặt lên lam kính rồi thêm 1 lượng dư dung dịch natri carbonat, dùng giấy thấm để thấm bớt nước rồi đậy bản kính mỏng. Tiếp theo, dùng ống mao quản cho ammoniac đậm đặc vào mép bản kính mỏng, quan sát với kính hiển vi, những tế bào nào chứa rotenon thì có màu xanh, màu không bền.
Định lượng.
Phương pháp cân: Bột dược liệu được chiết với chloroform bằng cách ngâm 24 giờ, sau đó lắc trong 4 giờ trên máy lắc. Dung dịch đem bốc hơi, lấy cắn hoà tan ở nhiệt độ sôi bằng carbon tetrachlorid bão hoà rotenon. Để nguội thì có phức rotenon-Cl4C kết tinh tách ra, đem lọc trên phễu thuỷ tinh đã cân bì trước, rửa với carbontetrachlorid bão hòa rotenon, sấy ở 35o và cân.
Lượng rotenon có thể tách ra bằng cách hoà phức chất trong cồn 95o sôi, rồi để lạnh.
Các phương pháp khác:
- Đo màu dựa vào phản ứng với H2SO4 và natri nitrit, phương pháp này định lượng tất cả những chất rotenoid nên kết quả cao hơn phương pháp trên.
-Phương pháp đo độ quay cực.
- Phương pháp định lượng các nhóm methoxy.
Thử tác dụng trên sinh vật.
Thử trên cá: Chọn một loại cá nhất định ví dụ cá vàng - Carassius auratus rồi xác định độ pha loãng của rotenon làm cho cá mất thăng bằng.
Thử trên ruồi: Cho ruồi vào tủ lạnh để làm tê liệt tạm thời rồi sau đó dùng micropipet nhỏ lên mỗi con vật một giọt dung dịch định thử nghiệm. Sau 24 giờ, tính tỷ lệ chết.
Tác dụng và công dụng.
Dây mật đã được nhân dân ta dùng để thuốc cá (nên còn được gọi là dây thuốc cá) Rotenon với nồng độ 1/50.106 đã độc với cá. Rotenon còn có tác dụng diệt côn trùng. Tác dụng có thể qua đường tiêu hoá hoặc tiếp xúc. Deguelin kém độc 10 lần, tephrosin kém độc 40 lần và toxicarol 400 lần so với rotenon.
Động vật máu nóng không thấy biểu hiện độc bằng đường tiếp xúc. Bằng đường tiêm có thể gây nên chết vì ngạt thở do liệt hô hấp, còn đường uống thì ít độc hơn.
DL50 trên thỏ khi tiêm tĩnh mạch là 0,35mg/kg tiêm bắp là 5,0mg/kg.
DL50 trên chuột cống trắng bằng đường uống là 153mg tiêm màng bụng là 5mg/kg.
Tuy có tài liệu nói là không độc đối với người nhưng cần phải thận trọng nhất là khi tiếp xúc lâu ngày do hít phải.
Ngoài công dụng để thuốc cá, dây mật dùng chủ yếu để diệt côn trùng phá hoại thực vật, có thể dùng để diệt bọ cho súc vật. Các vùng nuôi tôm người ta dùng rotenon để diệt cá nhưng tôm lại không ảnh hưởng. Để diệt côn trùng, chỉ cần nghiền rễ dây mật thật mịn trộn với bột đất thó để rắc hoặc thêm nước pha thành hỗn dịch phun lên cây (dùng với tỉ lệ 0,025%, khi dùng mới pha vì hoạt chất dễ hỏng).
TÀI LIỆU THAM KHẢONgô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
No comments:
Post a Comment