Mỗi lần khách du lịch đến nhà và có nhu cầu tắm thuốc, chị Lý Mán Mẩy ở bản Tả Phìn, huyện Sa Pa, Lào Cai lại đeo gùi lên vai, cầm con dao quắm, thoăn thoắt leo lên sườn núi sau nhà mình để lấy lá. Có lẽ, chị Mẩy chưa bao giờ nghĩ tới việc mình đang tiếp nối quan điểm tự chủ Thuốc Nam chữa bệnh người Nam (Nam dược trị Nam nhân) của Danh y Tuệ Tĩnh từ hơn sáu thế kỷ trước. Duy trì bài tắm thuốc của người Dao đỏ đơn giản chỉ là cuộc mưu sinh của gia đình chị... Nhưng, điều đáng mừng là hiện có nhiều công ty dược Việt Nam đang bắt tay gây dựng lại những vùng nguyên liệu dược cổ truyền để chủ động và vững vàng trong chiến lược phát triển ngành đông dược hiện đại.
Doanh nghiệp phục hồi nguồn dược liệu :
Ở ngay huyện Sa Pa, có một doanh nghiệp được thành lập năm 2006 với mục tiêu đưa ra các sản phẩm dược liệu có nguồn gốc 100% từ thiên nhiên. Đó là Công ty Nông dược bản H’Mông Sa Pa - doanh nghiệp đầu tiên về mảng dược liệu của núi rừng Sapa. Phó giám đốc Công ty Lê Minh cho biết, ông đang đề xuất dự án Khoanh nuôi và bảo tồn nguồn gen dược liệu kết hợp sản xuất và hoàn thiện các sản phẩm bản địa – Sa Pa trên diện tích 100ha. “Chúng tôi đã nghiên cứu và lập dự án tiền khả thi cho việc xây dựng và vận hành nhà máy sản xuất kết hợp với việc khoanh nuôi trồng vùng nguyên liệu để cung ứng cho nhà máy”, ông Minh nói.
Năm 2005, Bảo Long - một trong những tên tuổi lớn về đông dược, hiện sản xuất trên 90 sản phẩm đông dược và mỹ phẩm thảo dược - đã tìm đến Sìn Hồ (Lai Châu) để trồng cây thuốc. Năm 2009, Bảo Long phát triển thêm Công ty Dược liệu Bắc Hà - Lào Cai để phục hồi nguồn dược liệu với chất lượng nổi tiếng ở đây mà trước kia từng xuất khẩu rất nhiều sang Trung Quốc.
Một doanh nghiệp dược non trẻ khác - BV Pharma - đang ấp ủ nhiều dự án lớn về trồng và sản xuất thuốc từ dược liệu cổ truyền. Thành lập năm 2002, BV Pharma nay đã có nhà máy đầu tiên ở nước ta sở hữu dây chuyền chiết xuất bằng công nghệ phun sương, bào chế dược liệu từ cây thuốc để sản xuất các sản phẩm thuốc y học cổ truyền. BV Pharma cũng chính là nhà cung cấp nhiều loại dược liệu cho nhiều ông lớn của ngành dược.
Công ty cổ phần Dược Danapha - sở hữu nhãn hiệu cao Sao vàng nổi tiếng - đã đưa vào vận hành nhà máy sản xuất thuốc đông dược hiện đại đạt chuẩn GMP-WHO với công suất 140 triệu viên/năm tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng) hồi cuối năm 2010. Để chủ động nguyên liệu, trước đó, Danapha đã xây dựng một vùng nguyên liệu 1,5ha ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), nay được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt). Một vùng trồng dược liệu khác rộng 5ha ở khu vực trên cũng đang được xúc tiến hình thành với 4 loại cây chính là kim tiền thảo, trinh nữ hoàng cung, cỏ nhọ nồi và nhân trần... .
Chưa có cơ chế phát triển ngành dược liệu :
Khôi phục những vùng dược liệu đủ cung ứng cho sản xuất dược ở quy mô công nghiệp đã trở thành một hướng đi được cả giới chuyên môn và cơ quan quản lý tán đồng. Một số vùng trồng dược liệu đã hình thành như cây quế ở Yên Bái, Quảng Nam, Thanh Hóa; cây hồi ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Bắc Kạn; hòe ở Thái Bình, Nghệ An, Đăk Lăk; thanh hao hoa vàng ở Hà Nội, Bắc Giang; cây tràm ở Đồng Tháp Mười, Long An, Thừa Thiên - Huế, Tây Ninh; kim tiền thảo ở Bắc Giang, Tây Ninh; gấc ở Hải Dương, Bắc Giang; bụp giấm, dừa cạn ở Ninh Thuận, Bình Thuận… .
Mặc dù vậy, những ai đang trên con đường tìm lại dược liệu Việt Nam ít nhiều còn cảm giác đơn độc và ở trong trạng thái mạnh ai nấy làm. Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cũng thừa nhận, vướng mắc lớn nhất là chưa có cơ chế phát triển ngành dược liệu. Thành ra, từ một nước xuất khẩu dược liệu có tiếng (với tiềm năng dược liệu đứng thứ hai trên thế giới), Việt Nam lại trở thành quốc gia nhập khẩu dược liệu. Có thời điểm, 85% dược liệu để sản xuất đông dược trong nước nhập về từ Trung Quốc.
Sự thể này xảy ra như một tất yếu khi nhiều vùng rừng có cây thuốc phong phú ở nước ta hoàn toàn bị phá bỏ. Việc trồng dược liệu thiếu quy hoạch tập trung, thiếu sự hỗ trợ từ các ngành có liên quan nên thị trường dược liệu không ổn định, cây dược liệu vì thế cũng không phát triển dù nông dân vẫn muốn chuyển đổi cơ cấu các loại cây trồng để phát triển kinh tế. Không đầu tư chất xám, không quyết liệt chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức việc phát triển dược liệu có quy mô lớn và ổn định, bền vững, thì rất khó phát triển công nghiệp dược, công nghiệp hóa dược như mong muốn. Điều này dẫn đến nước ta sẽ mãi mãi phụ thuộc vào thuốc từ nước ngoài, nguyên liệu dược của nước ngoài; công nghệ dược chỉ dừng ở gia công, bao gói; nền y học cổ truyền, bản sắc văn hóa y dược học cổ truyền sẽ ngày càng mai một.
Sẽ khả quan hơn?.
Nhằm vực dậy ngành dược liệu, từ tháng 10.2010, Bộ Y tế triển khai cho 17 đơn vị liên quan đến phát triển dược liệu, từ quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, doanh nghiệp đến bệnh viện y học cổ truyền tham gia thực hiện kế hoạch hành động đến năm 2020.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngành Y tế đang quyết tâm thúc đẩy phát triển thị trường dược liệu ở Việt Nam theo 3 hướng chính là: hình thành các vùng nguyên liệu trồng dược liệu có quy mô lớn trên cả nước; xây dựng các nhà máy chế biến dược liệu theo tiêu chuẩn quốc tế; và xuất khẩu các sản phẩm dược liệu đã qua chế biến phục vụ ngành công nghiệp điều chế thuốc có nguồn gốc dược liệu và các loại thuốc sản xuất trong nước có nguồn gốc dược liệu đang có nhu cầu tăng cao trên thế giới. Theo đó, sẽ đẩy nhanh một số nội dung ưu tiên như: xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu trong cả nước đến 2020 và tầm nhìn 2030; trong đó có danh mục sản phẩm trọng điểm quốc gia về dược liệu, thuốc từ dược liệu để các địa phương dựa vào đó quy hoạch vùng trồng và kêu gọi đầu tư; quy hoạch hệ thống vườn thuốc quốc gia bảo tồn các nguồn gen, nghiên cứu di thực; triển khai mạnh mẽ hơn các tiêu chuẩn sản xuất thuốc như GMP-WHO, GACP tại các nhà máy sản xuất thuốc….
Gần đây, Bộ Y tế đã tiến hành khảo sát chi tiết thực trạng tiềm năng phát triển cây thuốc trong cả nước và đã dự kiến đưa ra được danh mục gần 10 loại cây thuốc có giá trị cao, có điều kiện thuận lợi để phát triển diện rộng trong cả nước gồm: hồi, quế, trinh nữ hoàng cung, sâm Ngọc Linh, tràm, thanh hao hoa vàng, hoa hòe và Artichaut. Từ kết quả khảo sát này, Bộ Y tế đã nghiên cứu và dự kiến đưa ra ba sản phẩm dược liệu là hồi, sâm Ngọc Linh và trinh nữ hoàng cung để phát triển thành sản phẩm quốc gia.
Minh Nguyệt/Theo-daibieunhandan.vn
No comments:
Post a Comment