Thursday 8 March 2012

HOÀNG LIÊN- Coptis chinensis Franch-Họ Hoàng liên – Ranunculaceae

HOÀNG LIÊN

Có nhiều loài hoàng liên chân gà như Coptis chinensis Franch,. Coptis teeta Wall., Coptis teetoides C.Y. Cheng, Coptis deltoidea C.Y. Cheng et Hsiao. Họ Hoàng liên – Ranunculaceae.
Đặc điểm thực vật
Hoàng liên là cây thảo, sống nhiều năm, cao chừng 15 -35 cm, thân mọc thẳng, phía trên phân nhánh, có nhiều rễ nhỏ. Lá mọc từ thân rễ lên, có cuống dài 6 -12 cm. Phiến lá gồm 3 – 5 lá chét, mỗi lá chét  lại chia thành nhiều thùy có mép răng cưa.
Mùa xuân sinh trục dài chừng 10 – 12cm trên chia làm 2 hoặc nhiều nhánh mang 3 -  8 hoa. Có 5 lá đai màu vàng luc, cánh hoa hình mũi mác dài bằng 1/2 lá đài, có nhiều nhị dài gần bằng cánh hoa, có nhiều lá noãn rời nhau. Quả đại có cuống, trong chứa 7 – 8 hạt màu xám. Thời kì nở hoa vào tháng 2 – 4 và quả có từ tháng 3 đến tháng 6.
Phân bố, trồng hái và chế biến
Hoàng liên thường mọc ở vùng núi có độ cao 1500 – 1800m. Hoàng liên mọc hoang và trồng nhiều ở Trung Quốc (có nhiều ở Tứ Xuyên, Hồ Bắc…) ở nước ta hoàng liên mọc hoang trên dãy núi Hoàng Liên Sơn (Sapa có loài Coptis quinquesecta Wang, Coptis chinensis Franch và ở Quảng Bạ - Hà Giang có loài Coptis chinensis Franch).
Hoàng liên ưa chỗ lạnh, mát, ẩm thấp (không ưa chỗ nóng nhiều, khô ráo và nhiều ánh sáng) nhiệt độ nơi trồng phải thấp dưới 30oC, đất dẽ tháo nước, tốt nhất là đất có cát và nhiều mùn. Khi trồng có thể dùng phân chuồng,phân xanh; nếu đất chua có thể dùng thêm vôi.
Hoàng liên trồng bằng hạt. Người ta thường trộn hạt lẫn với cát  nhỏ theo tỉ lệ 1:1 rồi đem gieo. Khi cây có 5 – 6 lá đem trồng thành hàng cách nhau 40 cm, cây nọ cách cây kia 30 cm. Thường trồng vào mùa xuân.
Hàng năm thường thu hái hoàng liên vào cuối mùa thu hoặc đầu mùa đông (trước khi có tuyết ở những nơi lạnh). Hoàng liên trồng thì thu hái sau khi cây được 4 – 5 năm. Đào cả cây, loại bỏ đất cát, cắt loại thân, lá, đem phơi, sấy khô rồi đóng gói. Ở Trung Quốc ngoài việc dùng sống còn đem sao với rượu hoặc chế thành du hoàng liên (tẩm hoàng liên với nước sắc của ngô thù du đem sao nhẹ) hay khương hoàng liên (tẩm hoàng liên với nước ép của gừng tươi sao nhẹ).
Bộ phận dùng
Thân rễ (Rhizoma coptidis). Là những mẩu cong queo, dài 3cm trở lên, rộng 0,2 – 0,5 cm, có nhiều đốt khúc khuỷu và phân nhiều nhánh, trông giống hình chân gà nên thường gọi là hoàng liên chân gà. Mặt ngoài  màu vàng  nâu, mang vết tích của rễ phụ và của cuống lá. Chất cứng rắn, vết bẻ ngang phẳng,  phần gỗ màu vàng tươi, tia ruột có  lỗ rách, phần vỏ và ruột màu vàng đỏ, cũng có khi rỗng. Không mùi, vị rất đắng, tồn tại lâu.
Vi phẫu: Cắt ngang thân rễ hoàng liên. Từ ngoài vào trong quan sát thấy:  Thụ bì gồm có tầng hoá bần và lớp mô mềm vỏ ngoài đã chết. Lớp bần thứ cấp cấu tạo bởi những tế bào thành mỏng, xếp đều đặn. Mô mềm vỏ trong gồm những tế bào thành mỏng xếp lộn xộn, rải rác có những tế bào mô cứng thành rất dày xếp thành đám. Có nhiều đám sợi rời nhau xếp thành vòng tròn, sợi có thành dày, khoang tế bào hẹp. Libe xếp thành từng đám ứng với các đám sợi bên ngoài và sát bên trong các đám sợi. Tầng phát sinh libe-gỗ. Các bó gỗ phần trong thường liền nhau, phần ngoài rời. Trong cùng là mô mềm ruột:
Quan sát vi phẫu dưới kính hiển vi huỳnh quang với chùm tia cực tím có bước sóng λ = 365 nm  thấy: Phần bần có huỳnh quang màu lam. Mô mềm vỏ, mô mềm tuỷ có huỳnh quang tím nâu. Các đám sợi, mô cứng, gỗ có huỳnh quang vàng:
Bột : Bột màu vàng không mùi, vị đắng. Nhìn dưới kính hiển vi thấy: Mảnh mô mềm (1), mảnh mô mang tế bào cứng (2). Mảnh bần (3).  Tinh bột kết thành khối (4). Sợi thành dày thường kết thành bó (5) màu vàng. Nhiều tế bào mô cứng thành dày, khoang rộng, thấy rõ các ống trao đổi (6). Mảnh mạch nhỏ có cấu trúc đặc biệt (7)
Thành phần hóa học
Thân rễ hoàng liên chứa nhiều alcaloid, hàm lượng từ 5 – 8%. Chủ yếu là berberin, ngoài ra còn chứa worenin, coptisin, palmatin, jatrorrhizin, magnoflorin.
Cả cây hoàng liên đều có alcaloid nhưng tỷ lệ trong các bộ phận của cây thay đổi theo các giai đoạn sinh trưởng và thời tiết. Vào khoảng tháng 9 – 10 ở thân rễ và rễ nhỏ có hàm lượng berberin cao. Ở lá già trước khi rụng, vào khoảng tháng 7 – 10 có hàm lượng alcaloid cao. Ở hoa có khoảng 0,56% và hạt chứa 0,23% berberin. Ngoài alcaloid trong rễ hoàng liên còn có tinh bột, acid hữu cơ như acid ferulic…

Kiểm nghiệm
Định tính
- Bẻ dược liệu đem soi: có huỳnh quang  màu vàng chói, phần gỗ có huỳnh quang càng rõ.
- Lấy ít bột hay cắt mỏng dược liệu  đặt lên phiến kính, nhỏ 1 giọt acid HCl đậm đặc, để yên 1giờ, soi kính hiển vi thấy nhiều tinh thể màu vàng.
- Lấy ít bột hay cắt mỏng dược liệu, nhỏ vào đó 1- 2 giọt ethanol 95% và 1 giọt HNO3, để yên – 10 phút soi dưới kính hiển vi thấy xuất hiện tinh thể màu vàng hình kim.
- 0,1g bột dược liệu, ngâm 2 giờ với 10 ml nước,chiết lấy 2 ml dịch ngâm +1 giọt H2SO4 đậm đặc. Thêm dần dung dịch bão hòa clo vào. Giữa 2 lớp chất lỏng có màu đỏ sẫm.
- Định tính bằng sắc kí lớp mỏng (Dược điển VN)
 + Bản mỏng silicagel GF254
 + Dung môi khai triển: n- butanol- acid acetic băng- nước tỉ lệ 7:1:2
 + Dung dịch thử: lấy 0,1 (g) bột dược liệu + 5 ml methanol, lắc trong 30 phút. Lọc lấy dịch làm dung dịch thử.
 + Dung dịch chuẩn: 0,1mg berberin clorid hòa tan vào 1ml methanol + 0,5 mg palmatine clorid+ 1 ml methanol.
+ Tiến hành: chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 ml mỗi dung dịch trên. Sau khi khai triển để khô. Quan sát ở UV 365nm. Trên sắc kí đồ của dung dịch thử phải có vết phát quang cùng giá trị Rf tương ứng với vết beberin clorid & palmatin hydroclorid dung dịch chuẩn.
Định lượng
1. Phương pháp cân
Cân chính xác 5g bột dược liệu sấy khô ở 80°C đến khối lượng không đổi. Cho vào bình Zaichenko, lấy kiệt hoạt chất băng , cất trên nồi cách thủy. Thêm 30ml nước và 3g MgO đun cách thủy  ở 70°C trong 15 phút. Lọc rửa cắn bằng nước nóng nhiều lần đến khi  không còn màu nữa. Gộp dịch lọc với dịch rửa, cho thêm dung dich KI 50% để tủa berberin. Lọc rửa bằng dung dịch KI. Dùng nước kéo tủa vào bình chịu nhiệt 250ml có nút mài. Đun trên nồi cách thủy, lắc cho berberin iodid phân tán đều trong nước. Khi nhiệt độ bình tăng 70°C, thêm 50ml aceton. Đậy nút bình, tiếp tục đun để hòa tan berberin iodid. Thêm thật nhanh 3ml dung dịch amoniac, lắc bình cho đến khi kết tủa. Lọc tủa phức berberin aceton vào một chén nung đã cân trước. Rửa tủa bằng ether ethylic, sấy khô ở 105°C trong 3 giờ.
2. Phương pháp sắc kí lỏng hiệu năng cao: Định lượng đồng thời berberin & palmatin
Pha động: 3,4(g) kalidihydrophotphat, 1,7 g Natri laurylsunfat trong hỗn hợp nước- acetonitril (1:1)
Dung dich chuẩn: pha 1dung dịch chuẩn chứa 0,015mg palmatin clorid và 0,06mg berberin clorid trong 1 ml methanol
Dung dịch thử: cân chính xác 0,07g bột dược liệu. làm như phương pháp cân
Tiến hành: tiêm riêng biệt dung dịch thử, dung dịch chuẩn. Căn cứ diện tích pic thu được từ dung dịch thử, dung dịch chuẩn, tính hàm lượng của berberin và palmatin trong dược liệu.
Dược liệu chứa ít nhát 3,5% berberin, 0,5% palmatin.
Tác dụng dược lý
+ Tác dụng kháng khuẩn: Hoàng liên và 1 trong các hoạt chất của nó là berberin, có phổ kháng khuẩn rộng trong thí nghiệm. Có tác dụng ức chế mạnh đối với Streptococcus  pneumoniae, Neisseria meningitidisStaphylococcus aureus. Thuốc có tác dụng ức chế mạnh đối với khuẩn gây lỵ nhất là Shigella dysenteriae S. flexneri. Thuốc có hiệu quả hơn thuốc Sulfa nhưng kém hơn Streptomicine hoặc Chloramphenicol. Thuốc không có tác dụng đối với Shigella sonnei, Pseudomonas aeruginosaSalmonella paratyphi. Nước sắc Hoàng liên có hiệu quả đối với 1 số vi khuẩn phát triển mà kháng với Streptomicine, Chloramphenicol và Oxytetracycline hydrochloride. Nhiều báo cáo khác cho thấy độ hiệu quả khác biệt của Hoàng liên đối với vi trùng lao, nhưng không có tác dụng giống như thuốc INH. Hoạt chất kháng khuẩn của Hoàng liên thường được coi là do Berberin. Khi sao lên thì lượng berberin kháng khuẩn thấp đi.
+ Tác dụng kháng Virus: Thí nghiệm trên phôi gà chứng minh rằng Hoàng liên có tác dụng đối với nhiều loại virus cúm khác nhau và virus Newcastle.
+ Tác dụng chống nấm: Trong thí nghiệm, nước sắc Hoàng liên  có tác dụng ức chế nhiều loại nấm. Nước sắc Hoàng liên  và Berberin tương đối có tác dụng mạnh diệt Leptospira.
+ Tác dụng chống ho gà: Kết quả nhiều nghiên cứu về tác dụng của Hoàng liên đối với ho gà có khác nhau. Một nghiên cứu cho thấy trong thí nghiệm tập trung Hoàng liên ức chế sự phát triển của Hemophilus pertussis cao hơn Streptomycine hoặc Chloramphenicol, ít nhất là thuốc có tác dụng lâm sàng.tuy nhiên, nghiên cứu khác trên heo Hà Lan, cho uống Hoàng liên  thì lại không làm giảm tỉ lệ tử vong.
+ Tác dụng hạ áp: Chích hoặc uống dịch chiết Berberin cho mèo, chó và thỏ đã được gây mê và chuột không gây mê thấy huyết áp giảm. Liều lượng bình thường, hiệu quả không kéo dài, liều lập lại cho kết quả không cao hơn. Hiệu quả này xẩy ra dù tác dụng trợ tim ảnh hưởng đến lượng máu tim gây nên bởi liều thuốc này. Huyết áp giảm dường như  liên hệ với việc tăng dãn mạch, cũng như có sự gia tăng đồng bộ  ở lách, thận và tay chân.
+ Tác dụng nội tiết: Berberin cũng có tác dụng kháng Adrenalin. Thí dụ: đang khi Berberin làm hạ áp thì phản xạ tăng – hạ của Adrenalin giảm rất nhiều nhưng phụ hồi lại nhanh. Berberin cũng  dung hòa sự rối loạn của Adrenalin và các hợp chất liên hệ.
+ Tác dụng đối với hệ mật: Berberin có tác dụng lợi mật và có thể làm tăng việc tạo nên mật cũng  như làm giảm độ dính của mật. Dùng Beberin rất hiệu quả đối với những bệnh nhân viêm mật mạn tính.
+ Tác dụng đối với hệ thần kinh trung ương: Berberine dùng liều nhỏ có tác dụng kích thích vỏ não, trong khi đó, liều lớn lại tăng sự ức chế hoạt động của vỏ não.
+ Tác dụng kháng viêm: Lịch sử nghiên cứu chất Granulomas gây ra bởi dầu cotton trên chuột nhắt cho thấy chất Berberin làm gia tăng đáp ứng kháng viêm của thể. Chất ethanol chiết xuất của Hoàng liên có tác dụng kháng viêm khi cho vào tại chỗ, nó làm cho chất Granulomas co lại. Hiệu quả này giống như tác dụng của thuốc Butazolidin.
+ Uống berberin sulfat hấp thu chậm, sau 8 giờ mới đạt giá trị hấp thu cao nhất, phân bố nhanh vào tim, thận , gan, nồng độ trong máu khó duy trì, uống 2g mỗi lần chưa thấy hiện tượng gì. Nhưng uống liều lớn có thể gây giảm huyết áp, gây hiện tượng ức chế hô hấp cấp tính.
Công dụng và liều dùng
Hoàng liên đươc dùng để trị các bệnh :
- Lỵ amid và lỵ trực khuẩn: Ngày dùng 3 – 6 g chia làm 3 lần uống trong 7 – 15 ngày, dưới dang  thuốc sắc.
- Chữa viêm dạ dày và ruột: Ngày dùng 3 – 4 g dạng cao lỏng.
- Chữa đau mắt đỏ (viêm kết mạc): Dùng dung dịch hoàng liên 5 – 30 % nhỏ vào mắt.
- Viêm tai giữa có mủ: Dùng dung dich boric bột 3 g thêm nước cất, đun sôi 1 giờ, lọc, thêm nước cất cho đủ 100 ml, tiệt trùng rồi nhỏ vào tai mỗi ngày 2 – 3 lần .
- Ngoài ra hoàng liên còn được dùng để chữa bệnh sốt nóng nhiều, vật vã mất ngủ; chữa bệnh trĩ, thổ huyết, chảy  máu cam, chữa mụn nhọt có mủ, nhiễm khuẩn. Người ta thường kết hợp với một số vị thuốc khác.
- Berberin dược dùng để chữa lỵ, ỉa chảy, nhiễm khuẩn do tụ cầu, liên cầu… Một ngày uống 0,2 – 0,4 g berberin clorid chia làm 2 – 3 lần (dạng viên 100 mg, 50 mg và 10 mg).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ môn dược liệu (2011), Bài giảng dược liệu, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Bộ môn dược liệu (1998), Bài giảng dược liệu, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.

No comments:

Post a Comment