VỊ TRÍ CỦA DƯỢC LIỆU TRONG NGÀNH Y TẾ
VÀ TRONG NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN
Thuốc phòng bệnh và chữa bệnh hầu hết được điều chế từ 2 nguồn: dược liệu và hóa dược. Riêng dược thảo, theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới con số lên đến 20.000 loài. Không chỉ các nước Á đông mà các nước phương Tây cũng tiêu thụ một lượng rất lớn dược liệu. Người ta thống kê thấy rằng ở các nước có nền công nghiệp phát triển thì ¼ số thuốc kê trong các đơn đều chứa hoạt chất từ thảo mộc, chỉ riêng ở Mỹ năm 1980 giá trị số thuốc đó lên đến 8 tỉ USD. Trong những năm gần đây xu hướng trên thế giới dùng thuốc thảo mộc tự nhiên (không tách hoạt chất) ngày càng nhiều, chỉ tính thị trường Châu Âu cũng lên đến 2,3 tỉ USD, riêng cộng hòa Liên bang Đức là 1,7 tỉ USD. Nhiều biệt dược đông dược của Trung Quốc được tiêu thụ mạnh ở các nước Châu Âu. Gần đây ta cũng có một số mặt hàng đông dược xuất khẩu có tín nhiệm trên thị trường nước ngoài.
Dược liệu là nguồn cung cấp nguyên liệu cho việc bán tổng hợp một số hóa dược. Chỉ riêng nhu cầu để bán tổng hợp các thuốc Steroid, hàng năm thế giới cần khoảng 100.000 tấn củ mài có chứa diosgenin.
Nhiều hoạt chất quan trọng như quinin, morphin, ajmalin, vincaleucoblastin, emetin, strychnin… đều phải chiết ra từ dược liệu mà chưa có thể đi bằng con đường tổng hợp. Dược liệu còn mở đường cho hóa dược phát triển. ví dụ ephedrin là hoạt chất có trong cây ma hoàng; dược liệu này đã được sử dụng cách đây 4000 năm, y học hiện đại mới biết cách đây vài thế kỷ. Bắt chước thiên nhiên, hóa dược đi bằng con đường tổng hợp bằng cách ngưng tụ L-l-phenyl-l-acetyl carbinol vớimethylamin để có ephedrin. Dựa vào cấu trúc của quinin trong canh ki na người ta tổng hợp nhiều dẫn chất trị sốt rét khác. Dựa vào artemisinin được phân lập từ cây thanh cao hoa vàng, các dẫn chất artesunat, arteether, artemether được bán tổng hợp cũng để điều trị bệnh sốt rét.
Hiện nay người ta vẫn còn tiếp tục nghiên cứu các hoạt chất cấu trúc mới từ dược liệu rồi từ đó bán tổng hợp các dẫn chất có hiệu quả hơn, ví dụ: từ năm 1950 đến 1980 sau khi thử tác dụng chống ung thư của 40.000 loài thảo mộc, người ta đã phân lập được một số hoạt chất có tác dụng chữa được ung thư, trong đó có chất taxol (paclitaxel) được phân lập từ cây Taxus brevifolia Nutt – họ Taxaceae có tác dụng chữa được ung thư, đặc biệt là ung thư buồng trứng ở thời kỳ tiến triển. Năm 1992 ở Mỹ, Cannada và Pháp đã sử dụng Taxol trên lâm sàng. Hiện nay người ta đang nghiên cứu tổng hợp các dẫn chất mới thuộc nhóm Taxan.
Đối với nước ta dược liệu có một vị trí quan trọng. Nước ta nằm trong vùng nhiệt đới, chịu ảnh hưởng của gió mùa. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 250C, độ ẩm khá cao tạo điều kiện thuận lợi cho cây cối phát triển. Diện tích rừng chiếm 2/3 diện tích đất. Hệ thực vật rất phong phú và đa dạng, cả nước có khoảng 20.000 loài trong đó có trên 1.000 loài cây thuốc. Nước ta lại có một số vùng có độ cao trên 1000m như Sapa, Đà Lạt nên thuận lợi cho việc di nhập một số cây như artchaut, dương địa hoàng…Nước ta lại có bờ biển trên 3.200 km chạy dài từ Bắc chí Nam nên có nhiều hải sản quý dùng làm thuốc. Nếu chúng ta biết cách khai thác và nghiên cứu nuôi trồng một cách hợp lý thì sẽ có nhiều đóng góp cho ngành dược nước ta.
Dân tộc ta cũng như Trung Quốc, Nhật, Đài Loan và một số nước Đông Nam Á khác lại có truyền thống chữa bệnh theo lối y học cổ truyền từ lâu đời, đòi hỏi cung cấp một số lượng rất lớn về dược liệu. Trong những năm gần đây lượng thuốc Bắc ta nhập của Trung Quốc khá nhiều, nếu có kế hoạch đẩy mạnh việc trồng trọt và di thực thêm các cây thuốc của Trung Quốc thì sẽ hạn chế được sự lệ thuộc.
Về mặt kinh tế, nhà nước ta đã xếp cây thuốc vào loại cây công nghiệp cao cấp cần được phát triển như những cây công nghiệp khác. Hàng năm công ty Dược liệu cấp I và cấp II và gần đây các công ty tư nhân đã biết khai thác nhiều mặt hàng dược liệu để xuất khẩu như hoa hòe, quế, sa nhân, dừa cạn, các loại tinh dầu hồi, quế, tràm…
Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung Ương Đảng trình bày ở Đại hội lần thứ năm đã chỉ rõ: “Một nhiệm vụ cấp bách là khai thác mọi khả năng sẵn có trong nước nhằm tạo cho được các nguồn dược liệu, tích cực xây dựng công nghiệp dược phẩm và sản xuất thiết bị y tế, tạo mọi điều kiện để sớm khắc phục tình trạng thiếu thuốc kể cả con đường xuất để nhập”. Qua đó chúng ta càng thấy vai trò quan trọng của dược liệu trong ngành y tế và trong nền kinh tế quốc dân.
www.duoclieu.org
No comments:
Post a Comment