CỎ LUỒNG
Tên khác: Cỏ seo gà, Ráng sẹo gà hình gươm.
Tên khoa học: Pteris ensiformis Burm. f.; thuộc họ Cỏ seo gà (Pteridaceae).
Tên đồng nghĩa: Pteris ensiformis var. ensiformis; Pteris ensiformis var. merrillii(C. Chr. ex Ching) S.H. Wu
Mô tả: Dương xỉ mọc ở đất cao 30-50cm, có thân rễ mọc bò, mang vẩy hẹp, màu hơi nâu. Lá hai dạng, mọc khá sít nhau; lá không sinh sản có cuống dài 10-40cm, với phiến dài 8-20cm, rộng 4-12cm, hình tam giác thon, lá chét tận cùng rất dài và dạng sợi nguyên; lá chét bên 2-7 đôi, mọc so le, có cuống ngắn; các lá chét dưới bị cắt đến tận trục lá có cánh thành thùy. Phiến lá sinh sản dài hơn, có lá chét hẹp, hình dải, thường chia ba, đầu chóp khía răng.
Bộ phận dùng:Toàn cây (Herba Pteridis).
Phân bố sinh thái:Cây mọc hoang khắp ở những chỗ có bóng râm từ bình nguyên đến trung nguyên của nước ta. Còn phân bố ở các nước nhiệt đới châu Á, châu Úc và Polynêdi. Có thể thu thái cây quanh năm, rửa sạch và phơi khô.
Tính vị, tác dụng:Vị đắng, ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, lợi tiểu, mát máu, cầm lỵ.
Công dụng: Ở Trung Quốc, Cỏ luồng được dùng trị: 1. Viêm ruột, lỵ amíp, viêm gan; 2. Ngoại cảm phát sốt, sưng hầu họng; 3. Viêm đường tiết niệu; 4. Trị chảy máu (xuất huyết).
Liều dùng, cách dùng:Ngày dùng 30-60g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài giã đắp chữa viêm tuyến nước bọt, đinh nhọt, thấp chẩn. Ở Indonesia, người ta dùng lá non ăn như rau gia vị. Ở Malaixia, dịch lá non có vị se dùng súc miệng, rửa lưỡi cho trẻ em bị ốm và dịch rễ dùng đắp hạch tràng nhạc. Dân gian dùng cả cây làm thuốc trị lỵ và sốt rét và làm thuốc lợi tiểu. Lá, thân nấu nước rửa mụn trĩ, giã nát đắp lên các mụn độc bị viêm.
Bài thuốc:
1. Trị xuất huyết: dùng Cỏ luồng phối hợp với rễ cây Muối 60g, sắc nước uống.
2. Lỵ trực trùng:dùng Cỏ luồng phối hợp với Tai tượng Úc, Thằn lằn đều 30g sắc uống.
No comments:
Post a Comment