Thursday, 3 October 2013

CÚC HOA VÀNG-Dendranthema indicum-cây thuốc nam chữa hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, huyết áp cao

CÚC HOA VÀNG


Tên khác: Kim cúc, Hoàng cúc.
Tên khoa học: Dendranthema indicum (L.) Des Moul.; thuộc họ cúc (Asteraceae)
Tên đồng nghĩa: Chrysanthemum indicum L.; Matricaria indica (L.) Desr.; Pyrethrum indicum (L.) Cass.; Tanacetum indicum (L.) Schultz-Bip.
Mô tả: Cỏ hàng năm; thân cao 30-60cm, có chồi, bò rồi thẳng, phân nhánh. Lá hình bầu dục thuôn, cỡ 3-5x2,5-4cm, có mùi thơm, phiến lá xẻ thùy sâu, thùy lá ở tận cùng lớn nhất, mỗi bên có 2-3 đôi thùy bầu dục thuôn; viên có răng; gân bên 3-4 đôi; mặt trên nhẵn; cuống dài 1-2cm. Cụm hoa đầu, đường kính 1,5-2,5cm, ở phía ngọn cụm hoa hợp thành dạng ngù thưa, cuống cụm hoa mảnh. Tổng bao hình tán cầu, gồm 4 hàng lá bắc xếp lợp, lá bắc dài 5-6mm hàng phía ngoài nhỏ hơn có hình bầu dục đến bầu dục thuôn; hàng trong hình bầu dục, kích thước ngắn hơn, lá bắc mỏng, có 1 gân giữa màu xanh. Trong cụm hoa, hoa ở viền có tràng dạng lưỡi nhỏ, nhiều hàng, hữu thụ, màu vàng tươi; phiến lưỡi dài 11-13mm, rộng 2,5-3mm; ở giữa hoa lưỡng tính, tràng dạng ống, dài 2,5mm, đầu 5 thùy tam giác. Núm nhụy có đầu cụt, phủ lông tơ. Quả bế, hình trụ, dài 1,8mm; đầu trụi, đỉnh quả không mào lông.
Bộ phận dùng: Cụm hoa (Flos Dendranthemi Indici), thường gọi là Dã cúc hoa.
Phân bố sinh thái:Cây gốc ở miền Đông Á, thường được trồng làm cảnh lấy hoa ướp trà và làm thuốc. Có thể trồng dễ dàng bằng đoạn thân vào mùa xuân.
Thu hái: Lúc trời khô ráo, hái hoa đem xông lưu huỳnh kỹ, xong nén chặt độ một đêm, khi thấy nước chảy ra đen là được, sau đó phơi nắng nhẹ (khoảng 3-4 nắng) hay sấy ở 40-50oC đến khô. Nếu trời râm thì ban đêm phải sấy lưu huỳnh. Bảo quản ở chỗ khô ráo.
Thành phần hoá học:Cây chứa tinh dầu, trong đó có chrysol, chrysanthenon; còn có yejuhualactone, artoglasin A. acaciin, linarin, chrysanthemin. Chất màu của hoa là do có chrysanthemaxanthin. Còn có luteolin dưới dạng glucosid, các hydrocarbon. Hạt chứa 15,8% chất dầu nửa khô.
Tính vị, tác dụng:Cúc hoa vàng có vị đắng, cay, tính hơi hàn; có tác dụng thanh nhiệt giải độc.
Công dụng: Ở Trung Quốc, người ta dùng chữa mụn nhọt sưng đau (đinh sang ung thũng), mắt đỏ sưng đau, đau đầu chóng mặt. Ta thường dùng trong các trường hợp: 1. Phòng cảm lạnh, cúm, viêm não; 2. Viêm mủ da, viêm vú; 3. Hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, huyết áp cao; 4. Đau mắt đỏ, chảy nhiều nước mắt; 5. Viêm gan, kiết lỵ. Dùng ngoài trị đinh nhọt, rắn cắn, chấn thương bầm giập.
Liều dùng, cách dùng:Ngày dùng 8-12 g hoa hoặc 15-20g cành lá sắc uống. Dùng ngoài giã tươi đắp không kể liều lượng. Có thể hãm uống giải độc rượu.
Bài thuốc:
1. Cảm mạo phong nhiệt: Cúc hoa 12g, Củ sắn dây 12g, lá Dâu tằm 12g, rễ Lau 12g, Bạc hà 5g, Cam thảo 5g, sắc uống, ngày một thang.
2. Phòng cảm cúm: Cúc hoa (cành, lá), Diếp cá, Kim ngân dây, mỗi vị 30g, đun sôi với 500ml nước còn 200ml. Lọc lấy nước, uống mỗi lần 20ml, ngày 3 lần.
3. Đinh nhọt: Cúc hoa, Bồ công anh, Tử hoa địa đinh 30g, Kim ngân 60g, sắc uống.
4. Các loại mụn nhọt, viêm tuyến vú, mụn nhọt sưng, nóng đỏ đau chưa lên mủ: Cúc hoa (hoa, lá, cành) 20g khô hoặc 60-80g tươi, Kim ngân (hoa hoặc dây) 12g, Bồ công anh 12g, Cam thảo 12g. Sắc kỹ, uống nóng, ngày một thang. Bên ngoài, dùng một nắm lá Cúc hoa tươi và 3 cây hành tươi rửa sạch, giã nhỏ, thêm vài hạt muối đắp, ngày 1 lần.

No comments:

Post a Comment