ĐA ĐA
Tên khác: Ða đa, Cò cưa, Xân
Tên khoa học: Harrisonia perforata (Blanco) Merr; thuộc họ Thanh thất (Simaroubaceae).
Mô tả: Cây nhỏ mọc trườn, gai hình chuỳ. Lá do 9-15 lá chét bất xứng không lông hay có lông ở gân, mép có răng. Cụm hoa chùm hay chuỳ. Hoa trắng; cánh hoa dài 6-8mm, có lông; 10 nhị; 1 vòi nhuỵ. Quả hạch đỏ, to 2-2,5cm, chứa 3-5 nhân. Ra hoa quả quanh năm.
Bộ phận dùng: Rễ, vỏ thân, cành lá và quả (Radix, Cortex, Folium et -Fructus Harrisoniae).
Phân bố và thu hái:Loài cổ nhiệt đới, phân bố ở Nam Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, bán đảo Malaixia, Inđônêxia, Philippin. Ở nước ta, thường gặp mọc ở rừng thưa và ven rừng già, tới độ cao 900m, ở nhiều nơi, nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên. Thu hái các bộ phận của cây quanh năm.
Thành phần hoá học:Trong lá có các limonoid (perforatin, perforatinolon và các chất khác).
Tính vị, tác dụng:Rễ và các bộ phận có vị đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Người ta thường dùng vỏ thân, cành lá sắc uống chữa ỉa chảy, kiết lỵ, sốt rét. Cũng dùng chữa đau nhức xương và làm thuốc điều kinh.
Ở Campuchia, người ta dùng quả để trị nhọt ở gan bàn chân. Ở Trung Quốc, người ta dùng rễ để chế thành dạng xi rô dùng uống trị sốt rét. Ở Thái Lan, rễ cũng dùng làm thuốc hạ sốt.
No comments:
Post a Comment