Monday, 27 October 2014

DŨ SANG-Guaiacum officinale-Cây thuốc chứa nhựa

DŨ SANG


Tên khác: Gaiac.
Tên khoa học: Guaiacum officinale L.; thuộc họ Gai chống (Zygophyllaceae).
Mô tả: Cây gỗ cao 3-5m, luôn luôn xanh, vỏ thân màu nâu, có lông. Lá mọc đối, kép chẵn, lá chét 4-6, xoan thon ngược, rất tù, không cuống, không lông; lá kèm ngắn. Xim ở nách lá; hoa nhỏ; lá đài 5, bằng nhau; cánh hoa 5, màu lam; nhị 10, rời nhau; bầu có cuống ngắn, 2-3 ô. Quả nang tròn tròn có 2 cạnh như cánh, không lông, vàng khi chín.
Bộ phận dùng: Gỗ và nhựa (Lignum et Resina Guaiaci).
Phân bố sinh thái: Cây có nguồn gốc ở các đảo vùng biển Caribê và bờ biển Bắc của Bắc Mỹ, thường ở nơi khô hạn. Việt Nam có nhập trồng làm cảnh ở Thảo cẩm viên thành phố Hồ Chí Minh vì tán lá đẹp.
Thành phần hoá học:Cây chứa nhựa (20-25%), chứa acid guaiaconic α và β (20%), acid guaiaretic (10%) acid guaiacic, nhựa β-guaiacic, chất màu vàng, vanilin, saponin, acid guaicosaponic, guaiaguttin.
Tính vị, tác dụng:Lõi gỗ thơm, nhựa nâu trong có tác dụng kích thích tại chỗ, phấn khích, hơi nhuận tràng, chống viêm. Lá có tác dụng làm ra mồ hôi.
Công dụng, cách dùng:
Ở Âu châu, người ta dùng lõi gỗ sắc uống nóng làm thuốc ra mồ hôi; cũng có hiệu quả đối với chứng đau họng. Cồn guaiac dùng làm đối chứng cho sự hiện diện của các yếu tố oxy hoá, nó biến đổi thành màu lam. Gỗ rất cứng, dùng làm hòn ném. Nhựa được dùng như chất chống oxy hoá đối với các chất béo và dầu ăn.
Ở Ấn Độ, nhựa cũng được dùng làm thuốc nhuận tràng nhẹ và dùng điều trị thấp khớp mạn tính và thống phong. Dùng dưới dạng viên thuốc ngậm để điều trị sưng amygdal, viêm hầu họng với thấp khớp. Cây dùng làm chất giữ màu của thức ăn đóng hộp và chống oxy hoá cho mỡ. Được sử dụng dưới dạng cồn thuốc để thăm dò sự biến màu của máu và thử sự hiện diện của các glucosid cyanogenetic. Vỏ thân cũng chứa một chất nhựa khác nhưng cũng tương đồng với nhựa của gỗ, nó có vị cay và kích thích, được sử dụng làm cồn thuốc và làm thuốc viên.

No comments:

Post a Comment