Wednesday, 29 October 2014

GÁO-Gáo trắng, Cà tôm, Phay vì-Anthocephalus cadamba-cây thuốc chữa sốt rét

GÁO


Tên khác: Gáo trắng, Cà tôm, Phay vì.
Tên khoa học: Anthocephalus cadamba (Roxb.) Miq.; thuộc họ Cà phê (Rubiaceae).
Tên đồng nghĩa: Anthocephalus indicus A.Rich.; Nauclea cadamba Roxb.
Mô tả: Cây gỗ lớn cao 15-20m, thân thẳng, hình trụ, tán rộng. Lá hình bầu dục, thuôn, xoan hay xoan ngược, đột nhiên cụt hay thon nhọn ngắn và tròn ở gốc, có mũi, nhọn ở đầu, dài 10-20cm, rộng 5-7cm, có lông khi còn non, lấp lánh và màu nâu sẫm ở trên, nâu sáng ở dưới; cuống lá 2-3 cm. Hoa màu da cam, thành đầu hình cầu, đơn độc, ở ngọn, đường kính 2,5-6cm. Quả khô, cao 5mm, rộng 1,5mm, dai, dính phần gốc với đế hoa nạc. Hạt đen đen, có góc. Cây ra hoa tháng 7-9, quả tháng 10-11.
Bộ phận dùng: Vỏ và lá (Cortex et Folium Anthocephali).
Phân bố sinh thái:Loài phân bố ở Ấn Độ, Srilanka, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, Indonesia. Ở nước ta, cây mọc ở các tỉnh từ Lào Cai, Hà Giang, Hoà Bình đến các tỉnh miền Trung. Cây ưa đất tốt, tầng đất dày và ẩm. Tái sinh hạt mạnh, sinh trưởng nhanh, ở chỗ ẩm sáng, dọc theo bìa rừng, ven suối.
Thành phần hoá học:Có một chất đắng tương tự acid cinchotannic. Hoa chứa tinh dầu. Vỏ chứa alcaloid, steroid, chất béo và đường giảm.
Tính vị, tác dụng:Vỏ bổ, hạ nhiệt, làm se.
Công dụng, cách dùng:
Ðế hoa hoá nạc dùng ăn được. Ở Yên Bái, vỏ dùng ngâm trong nước sôi chữa ho được xem như là bổ. Ở Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, vỏ dùng chữa sốt rét. Ở Lào Cai, người ta dùng vỏ để nhuộm đen.
Ở Ấn Độ, người ta dùng vỏ trị rắn cắn. Nước sắc lá dùng súc miệng trong trường hợp bị bệnh aptơ. Quả se dùng trị ỉa chảy. Ở Campuchia, nhân dân vùng Xiêm Riệp dùng thân và vỏ để chế một loại thuốc giảm đau và làm dịu.

No comments:

Post a Comment