Thursday 30 October 2014

GHI CÓ ĐỐT-Tầm gửi dẹt-Viscum articulatum-cây thuốc chữa viêm phế quản

GHI CÓ ĐỐT


Tên khác: Tầm gửi dẹt.
Tên khoa học: Viscum articulatum N. L. Burman; thuộc họ Ghi (Viscaceae).
Mô tả: Cây không có lá, với nhánh hẹp, thòng không phân nhánh lưỡng phân hay tam phân, có các lóng dài 2,5-6cm, với các đốt dẹp, thắt lại ở phía trên các đốt. Hoa nhỏ chụm ở mắt thành nhóm 3 cái, mà hoa ở giữa là hoa cái, các hoa bên là hoa đực. Quả mọng dạng bầu dục, cụt ở đầu, có bề mặt nhẵn; vỏ quả giữa dính, nhớt.
Bộ phận dùng:Toàn cây (bỏ rễ) (Herba Visci), thường gọi là Mộc ký sinh.
Phân bố sinh thái:Loài phân bố ở Ấn Độ, Mianma, Nam Trung Quốc, các nước Ðông Nam á tới úc châu nhiệt đới. Thường gặp mọc ký sinh trên các cây gỗ trong rừng, trên cây có quả, sồi dé, từ Lào Cai, Bắc Thái, Vĩnh Phú, Ninh Bình qua Quảng Nam - Ðà Nẵng, Lâm Ðồng, Ninh Thuận, Bình Thuận tới Ðồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh.
Thu hái: Toàn cây vào mùa hè và mùa thu, thái lát, phơi khô.
Tính vị, tác dụng:Vị hơi đắng, tính bình, có tác dụng khử phong trừ thấp, thư cận hoạt lạc, cầm máu.
Công dụng: Ở Campuchia, cây được dùng để trị viêm phế quản. Người ta nấu cây lên và lấy nước uống ngày 2 lần sáng và chiều. Ở Trung Quốc, cây được dùng làm thuốc trị: 1. Thấp khớp, đau lưng, mỏi bắp, chân tay tê bại; 2. Chảy máu tử cung, chảy máu cam; 3. Bạch đới, bệnh đường tiết niệu; 4. Lỵ trực khuẩn.
Liều dùng, cách dùng:
Ngày 10-15g dạng thuốc sắc. Không dùng cho phụ nữ có mang. Dùng ngoài giã thành bột và lẫn với lòng đỏ trứng làm thành thuốc đắp trị bệnh vẩy nến, hoặc nấu nước để rửa viêm mủ da.
Ở Ấn Độ, cây được dùng làm một chế phẩm trị sốt kèm theo đau các chi.

No comments:

Post a Comment