ĐU ĐỦ RỪNG
Tên khác: Thông thảo gai, Thầu dầu núi.
Tên khoa học: Trevesia palmata (Roxb. ex Lindl.) Vis.; thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae).
Mô tả: Cây nhỡ cao 7-8m hay hơn, thân ít phân nhánh, cành có gai, ruột xốp. Lá đơn, phiến lá phân thuỳ chân vịt, xẻ sâu như lá thầu dầu, có 5-9 thuỳ nhọn có răng, gân nổi ở hai mặt, mép lá có răng cưa thô; cuống lá dài và có gai. Lá non phủ lông mềm, màu nâu nhạt, lá già nhẵn. Hoa mọc thành tán, tụ thành chuỳ ở nách. Hoa to khoảng 1cm, màu trắng: Quả dài 13-18mm, có khía; hạt dẹp. Cây ra hoa tháng 5-6, quả tháng 7-9.
Bộ phận dùng: Lõi thân (Medulla Trevesiae), thường gọi là Thích thông thảo; tránh nhầm với vị Thông thảo là lõi thân của cây Thông thoát mộc (Tetrapanax papyriferrus). Lá cũng được dùng.
Phân bố: Loài phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam. Cây mọc ở chỗ ẩm dọc theo các sông, suối, ở thung lũng các rừng phục hồi.
Thu hái: Lõi thân vào mùa thu, phơi khô. Lá thu hái quanh năm.
Thành phần hóa học:lá Đu đủ rừng có saponin triterpenoid, sterol, đường khử, acid hữu cơ và polysaccharid.
Tính vị, tác dụng:Lõi thân có tác dụng thông tiểu, tiêu phù, lợi sữa.
Công dụng: Lõi thân dùng chữa phù thũng, đái dắt, tê thấp và làm thuốc hạ nhệt, làm phổi bớt nóng. Cũng được xem như là có tác dụng bổ; thường dùng nhầm với vị Thông thảo.
Liều dùng, cách dùng: Ngày 20-30g dạng thuốc sắc. Dùng riêng hay phối hợp với cây Mua đỏ. Lá được dùng nấu nước xông chữa tê liệt bại người và giã đắp chữa gẫy xương. Ở Trung Quốc, người ta dùng lá chữa đòn ngã tổn thương hay dao chém thương tích.
No comments:
Post a Comment