TỲ GIẢI
Rhizoma Dioscoreae
Bộ phận dùng là thân rễ của cây tỳ giải (hay xuyên tỳ giải, phấn tỳ giải, tất giả) - Dioscorea tokoro Makino, họ Củ nâu - Dioscoreaceae.
Đặc điểm thực vật
Cây leo bằng thân quấn. Rễ củ sống dai dưới đất, phình to thành củ. Lá mọc so le, hình tim, có 7-9-11 gân hình chân vịt nổi rõ. Cuống là dài. Hoa đơn tính khác gốc, đều nhỏ, màu xanh nhạt, mọc thành bông. Quả nang có cánh. Cây này mọc ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam,... là những tỉnh của Trung Quốc giáp giới miền Bắc nước ta. Ở Trung Quốc ngoài D.tokoro, người ta còn khai thác một số cây khác thuộc chi Dioscorea làm vị thuốc tỳ giải. Ở nước ta cũng có khai thác vị thuốc mang tên tỳ giải nhưng chưa xác định tên khoa học chắc chắn.
Thành phần hoá học
Năm 1936, các nhà hoá học Nhật Tsukano và Ueno đã tách được diosgenin từ củ tỳ giải. Đây là sapogenin steroid đầu tiên được biết có nối đôi ở 5-6. Ngoài ra trong tỳ giải còn có những sapogenin khác: yonogenin (25R, 5b -spirostan 2b , 3a -diol); tokorogenin (25R, 5b -spirostan 1b ,2b ,3a -triol); kogagenin (25R, 5b -spirostan 1b ,2b , 3a ,5b -tetraol); igagenin (25R,5b -spirostan 2b ,3a ,27-triol); isodiotigenin (25R, 5b -spirostan 2b ,3a ,4b -triol). Tỷ lệ sapogenin toàn phần 1-1,5%.
Phát hiện các sapogenin: ngoài các phương pháp như xác định tác dụng phá huyết, tạo bọt (xem phần đại cương), có thể tiến hành sắc ký giấy hoặc sắc ký lớp mỏng để theo dõi các sapogenin. Nguyên liệu chiết bằng methanol, bốc hơi, chiết cắn methanol bằng ether. Dung dịch ether dùng để tìm các sapogenin tự do. Phần còn lại đem thủy phân trong methanol có chứa 5% HCl (đun hồi lưu). Dịch thủy phân đem lắc với ether, bốc hơi ether rồi hoà lại trong methanol để tiến hành sắc ký.
Sắc ký giấy: khai triển bằng dung môi thích hợp ví dụ: toluen-acid acetic (50:3). Để khô, hiện màu bằng phun dung dịch aldehyd cinnamic 1% trong ethanol, sấy nóng rồi phun với dung dịch gồm 25 mg SbCl3 trong 5ml nitro benzen rồi lại sấy nóng. Các sapogenin steroid sẽ hiện màu vàng đến cam. Có thể dùng thuốc thử Sannié.
Sắc ký lớp mỏng: chất hấp phụ là silicagel G, khai triển bằng dung môi thích hợp ví dụ: chloroform-aceton-acid acetic (80:20:5), hiện màu bằng hơi iod hoặc bằng thuốc thử Sannié.
Định lượng diosgenin: diosgenin sau khi phát hiện trên bản mỏng bằng hơi iod; chiết bằng chloroform lên màu bằng FeCl3 và H3PO4-H2SO4 (10:1) (tt/tt), đo ở 485 nm.
Công dụng:
Y học dân tộc cổ truyền dùng tỳ giải làm thuốc lợi tiểu, chữa viêm bàng quang mãn tính, viêm niệu đạo, chữa thấp khớp. Dùng dưới dạng thuốc sắc. Ngày dùng 12-18g.
Có thể dùng để chiết diosgenin để làm nguyên liệu bán tổng hợp các thuốc steroid.
Sau đây là một quy trình chiết diosgenin: Nguyên liệu được chiết bằng chloroform để loại tạp. Chiết tiếp bằng ethanol 96%. Cất thu hồi ethanol. Cắn được thủy phân bằng HCl 2N (đun cách thủy trong 5 giờ). Lọc lấy tủa, rửa tủa bằng dung dịch natri bicarbonat bão hòa trong nước rồi sấy ở 600C.
Bột khô được chiết bằng cyclohexan nóng, để lạnh diosgenin sẽ kết tinh. Có thể kết tinh lại trong methanol, aceton.
Để nâng cao hàm lượng diosgenin trong nguyên liệu, người ta dùng phương pháp ủ nguyên liệu tươi với nước có thêm các chất kích thích sinh trưởng như indol-3-acetic acid, acid gibberellic, 2,4-D. Đối với củ Dioscorea belizenzis hiệu suất tăng lên 15%, củ Dioscorea deltoidea và hạt Trigonella foenumgraecum thì tăng 35%. Đặc biệt đối với thân hành mía dò Costus speciosus Sims., thí nghiệm thấy mẫu đối chứng hàm lượng diosgenin 1,3% tăng lên 3,5% khi ủ với nước và tăng lên 5% khi ủ với 2,4-D.
Người ta đã nghiên cứu các phương pháp chuyển diosgenin thành pregnenolon rồi từ đó chuyển thành các chất estrogen và androgen. Khả năng dùng phương pháp vi sinh gắn nhóm hydroxyl hoặc carbonyl ở vị trí 11 dẫn đến việc dùng diosgenin để điều chế các thuốc corticoid. Hiện nay hằng năm trên thế giới sản xuất gần 1000 tấn diosgenin. Nước sản xuất nhiều nhất là Mêxico, số tiền thu được lên đến 10 triệu đô la.
Chi Dioscorea có đến 600 loài, số loài chứa nhóm sapogenin nhóm spirostan có hàm lượng trên 0,1% chiếm khoảng 30% phân bố ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Người ta đã phát hiện và đưa vào trồng trọt nhiều loài Dioscorea chứa diosgenin với hàm lượng cao như D. composita Hemsl., D. floribunda Mart. et Gal., D. deltoidea Wall. chứa 4-5% diosgenin. Đặc biệt loài D. spiculiflora Hemsl. ở Mêxico hàm lượng sapogenin tới 15%.
Dasgupta B. và Pandy V.B. (1971) phát hiện diosgenin có trong cây mía dò Costus speciosus (Koenig) Sm. thuộc họ Mía dò (Costaceae). Viện Dược liệu Việt Nam cũng đã chiết xuất được diosgenin (1975) từ cây mía dò mọc ở miền Bắc với hiệu suất 0,5-0,6%.
Trong cây bảy lá một hoa - Paris polyphylla Sm. thuộc họ Bảy lá một hoa (Trilliaceae) có mọc ở Cúc Phương, Sapa cũng có diosgenin.
Từ bộ phận trên mặt đất của cây cà lá xẻ Solanum laciniatum Ait., Madeva và Stepanova (1965) thấy có các saponin steroid, khi thủy phân cho khoảng 0,20% diosgenin bên cạnh các glycoalkaloid.
Diosgenin có trong nhiều chi thực vật khác.
www.duoclieu.org
Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật
No comments:
Post a Comment