HẠT ĐÀO
Semen Persicae
Dược liệu là hạt của cây đào Prunus persica (L.) Batch., họ Hoa hồng - Rosaceae, phân họ Mận - Prunoidae.
Đặc điểm thực vật
Cây nhỡ, cao 3 - 4m. Lá đơn, mọc so le, hẹp, dài, có cuống ngắn, mép lá có răng cưa nhỏ, khi vò ngửi có mùi hạnh nhân. Hoa xuất hiện trước lá, mọc riêng lẻ, cuống ngắn. Đài hình chuông. Tràng năm cánh màu hồng nhạt, 35 - 40 nhị. Hoa đẹp, nhân dân miền Bắc nước ta dùng trang trí trong dịp tết. Quả hạch, mặt ngoài có một rãnh dọc và có nhiều lông nhung. Quả chín có đốm đỏ. Cây mọc hoang và được trồng nhiều ở các tỉnh miền Bắc nước ta như Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Bắc. Quả ăn đuợc.
Bộ phận dùng
Hạt, gọi là đào nhân. Thu hoạch vào tháng 6 dư phẩm sau khi ăn quả. Đập vỡ hạch lấy hạt phơi khô ngay.
Hạt hình bầu dục, dẹt dài 1,2 - 2cm, rộng 0,7 - 1cm, dày 0,5mm. Đầu trên nhọn, đầu dưới tròn. Vỏ hạt màu nâu đỏ, mỏng, có nhiều đường nhăn dọc. Ngâm nước nóng thì dễ bóc để lộ hai lá mầm trắng, rễ mầm đặt ở đầu nhọn, không mùi, vị béo và hơi đắng, nghiền với nước sẽ có mùi benzaldehyd.
Thành phần hóa học
Trong quả có:
- Acid hữu cơ: acid formic, acid caprilic, acid L(-)malic, acid mucic, acid p.coumaric, acid cafeic, acid quinic.
- Flavonoid: naringenin (= 5, 7, 4’ - trihydroxy flavanon); persicosid (= 3’, 5, 7 - trihydroxy 4’ - methoxy flavanon glucosid), catechin.
- Carotenoid: lycopen, kryptoxanthin, zeaxanthin.
Trong hạt và lá có amygdalin. Hạt chứa dầu béo có chỉ số iod 96 - 103 gần với chỉ số iod của dầu hạnh nhân.
Công dụng
Đào nhân dùng như hạt mơ: ép lấy dầu dùng như dầu hạnh nhân và dùng chế nước cất thay nước cất quế đào. Nhân dân còn dùng đào nhân làm thuốc điều kinh (phối hợp với ích mẫu). Nhân dân còn dùng hoa đào (loại màu trắng) để làm thuốc thông tiểu và chữa bí đại tiện.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ và cs. (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
No comments:
Post a Comment