SẢ CHANH
Tên khoa học: Cymbopogon citratus Stapf.
Đặc điểm thực vật và phân bố
Cây thảo sống nhiều năm, thân rễ sinh nhiều chồi bên tạo thành bụi xoè đều ra xung quanh, mỗi bụi có thể gồm 50 – 200 tép. Cây cao 1 – 2m, bẹ lá và chồi thân thường có màu tía đến trắng xanh. Phiến lá thuôn dài, kích thước 50 – 100 x 0,5 – 2 cm. Cụm hoa to dài đến 60 cm, có 4 – 9 đôt, gồm nhiều bông nhỏ.
Sả Chanh được trồng nhiều ở các nước Nam Mỹ như Achentina, Brazin, Honduras, Guatemala, Liên Bang Nga, Bắc Australia, Ấn Độ, Bănglades, Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
Trồng trọt và thu hoạch
Sả Chanh được nhân giống bằng các tép sả, được chọn lọc từ các bụi sả 1,5 – 2,5 năm tuổi. Có thể trồng xen với cây cao su hoặc cà phê.
Sáu tháng sau khi trồng có thể thu hoạch. Hiệu suất tinh dầu tính trên lá tươi khoảng 0,20 – 0,28%. Ở Việt Nam hiệu suất đạt đến 0,45 – 0,55% trong mùa khô, nếu tính trên nguyên liệu để khô có thể đạt 0,8 – 0,9%. Năng xuất tinh dầu năm đầu 75 kg/ha, những năm sau tăng dần, có thể đạt đến 200kg/ha. Có thể khai thác 4 – 6 năm, sau đó phải trồng lại.
Sản lượng hàng năm khoảng 650 tấn (1986). Các nước sản xuất chính là Achentina, Brazin, Guatemala, Honduras.
Thành phần hoá học
1. Hàm lượng tinh dầu: 0,46 – 0,55%
2. Thành phần hoá học của tinh dầu
Tinh dầu sả Chanh là chất lỏng màu vàng nhạt, mùi thơm của sả, với các hằng số: d20: 0,8986, nD20: 1,4910, D20: - 620. Thành phần chính của tinh dầu là citral (bao gồm citral a và citral b) 65 - 86%.
Sả C. citratus trồng ở Trảng Bôm (Việt Nam) có hàm lượng citral trong tinh dầu là 80%.
Một điểm đặc trưng cho tất cả các loài sả là trong tinh dầu có chứa methytheptenon với hàm lượng 1 - 2% làm cho tinh dầu sả có mùi rất đặc trưng của sả.
Công dụng
Tinh dầu sả chanh dùng chủ yếu để chiết xuất citral, là nguyên liệu để tổng hợp vitamin A, một lượng nhỏ dùng trong kỹ nghệ xà phòng, nước hoa, chất thơm cho thực phẩm.
TÀI LIỆU THAM KHẢONgô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật
No comments:
Post a Comment