SẢ DỊU
Tên khoa học: Cymbopogon flexuosus Stapf.
Đặc điểm thực vât và phân bố
Cây thảo, sống hiều năm, thân rễ sinh chồi khoẻ, tạo thành khóm với nhiều tép, cao tới 2 – 2,5 m, màu đỏ tía hay trắng nhạt. Ống bẹ lá màu xanh lục đôi khi tía nhạt. Phiến lá dài khoảng 100 cm, rộng 1,5 cm. Cụm hoa to, trục hoa tự gồm 10 -12 đốt, mang nhiều bông nhỏ tận cùng ở các nhánh.
Sả dịu có nguồn gốc ở Ấn Độ và được trồng ở nhiều nước nhiệt đới trên thế giới. Loại này có hai chủng chính: chủng thân đỏ và chủng thân trắng. Chủng thân đỏ mới có giá trị, đặc trưng bởi hàm lượng citral cao trong tinh dầu (trên 75%), còn chủng thân trắng có hàm lượng citral rất thấp (9%) cho nên không có giá trị khai thác.
Trồng trọt và thu hoạch
Sả dịu có thể nhân giống bằng hạt hoặc bằng các tép sả, thường chọn các bụi sả khoẻ có chất lượng tốt để làm giống. Sau khi trồng 6 – 8 tháng có thể thu hoạch. Có thể cất từ lá tươi hoặc để héo trong dâm. Hiệu suất tinh dầu khoảng 0,2 -0,4% đối với lá tươi. Những năm đầu cho năng xuất thấp, năm thứ 3 và thứ 4 cho năng xuất cao hơn. 1 ha có thể thu được 75 – 100 kg tinh dầu.
Những năm giữa thế kỷ XX, Ấn Độ là nước sản xuất chính, sản lượng hàng năm có thể đạt tới 1.500 tấn, thời gian gần đây chỉ khoảng 200 – 300 tấn. Hiện nay Guatemala là nước sản xuất chính. Con số thống kê trên thị trường thế giới thường được gộp chung với sả chanh.
Thành phần hoá học
Hàm lượng tinh dầu trong lá khoảng 1,1% (tính trên nguyên liệu khô tuyệt đối).
Tinh dầu sả dịu là chất lỏng màu vàng dễ chuyển thành vàng đỏ hoặc nâu đỏ, dễ hoà tan trong cồn, d15 : 0,899 – 0,905, D : +1025’ đến -50, nD30 : 1,483 – 1,488.
Thành phần chính của tinh dầu là citral thường trên 75%.
Công dụng
Tinh dầu sả dịu được dùng như tinh dầu sả chanh. Tinh dầu sả dịu thường được đánh cao hơn tinh dầu sả chanh do hàm lượng citral cao và đặc tính dễ hoà tan trong cồn.
Ghi chú:
Nhân dân Việt Nam vẫn trồng một loài sả có tên khoa học chưa xác đinh. Tép sả phát triển (thương gọi là củ sả) được dùng làm gia vị. Lá được dùng làm thuốc xông chữa cảm cúm, củ sả còn có tác dụng thông tiểu.
TÀI LIỆU THAM KHẢONgô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật
No comments:
Post a Comment