THẢO QUẢ
Tên khoa học: Amomum aromaticum Roxb.
Họ Gừng - Zingiberaceae.
Đặc điểm thực vật và phân bố
Cây thảo, sống nhiều năm, cao 2 - 3m. Thân rễ mọc ngang, có nhiều đốt. Lá to, dài, mọc so le có bẹ ôm kín thân. Hoa to, màu đỏ nhạt, mọc thành bông ở gốc. Quả hình trứng, cuống ngắn, màu đỏ sẫm, mọc dày đặc. Mỗi chùm quả có từ 40 - 50 quả. Hạt nhiều, có cạnh, có mùi thơm đặc biệt.
Được trồng và mọc hoang ở vùng rừng núi cao, có khí hậu mát, độ ẩm cao ở các tỉnh Lào Cai, Hà Giang.
Trồng trọt và thu hái
Trồng bằng hạt hay bằng các đoạn cắt từ thân rễ. Mỗi đoạn cắt của thân rễ phải có 1 chồi non và 1 chồi già. Trồng cách nhau 1,5m x 1,5m, vào mùa mưa, và tốt nhất là trồng dưới tán cây khác. Trồng bằng hạt, gieo hạt trong vườn ươm, sau đó trồng cây con đại trà. Sau 5 năm có thể thu hoạch (chậm hơn so với phương pháp trồng bằng thân rễ). Cây có thể sống được 25 năm hoặc lâu hơn nữa.
Thu hái vào tháng 10 - 11 và kéo dài đến tháng 2 (từ tháng 10 đến tháng giêng âm lịch).
Hái quả xong phải phơi hoặc sấy khô ngay.
Nếu chăm sóc tốt 1 ha có thể cho 100 - 400 kg quả khô.
Bộ phận dùng
Quả chín đã phơi khô hoặc sấy khô.
Quả có hình thuôn hoặc hơi tròn, dài 2 - 4 cm, đường kính 1,3 - 2,3 cm. Mặt ngoài màu nâu đỏ hoặc màu xám, có vân dọc sần sùi. Quả có 3 ngăn, mỗi ngăn chứa 7 - 19 hạt. Hạt khô rắn, hình đa giác không đều, ép sát nhau. Hạt có mùi thơm, vị cay tê.
Thành phần hoá học
Quả có chứa tinh dầu 1,40 - 1,47%.
Thành phần hoá học chính của tinh dầu thảo quả là cineol (31- 37%), các hợp chất aldehyd: 2 - decenal (6 - 17%0, geranial (7 - 11%), neral (3 - 7%), ngoài ra còn chứa geraniol, citronelol, 7-methyl-6-octen-2-yl-propionat.
Công dụng
Thảo quả chủ yếu dùng làm gia vị trong kỹ nghệ chế biến bánh kẹo và thực phẩm.
Dùng làm thuốc chữa đau bụng, nôn mửa, giúp cho sự tiêu hoá, chữa hôi miệng.
Tinh dầu khi cất ra không có mùi đặc trưng của thảo quả nên ít có ý nghĩa sử dụng.
TÀI LIỆU THAM KHẢONgô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật
No comments:
Post a Comment