BẠCH THƯỢC
Tên khoa học: Paeonia lactiflora Pall.; Họ mao lương (Ranunculaceae)
Bộ phận dùng: Thân rễ. Dùng thứ to bằng đầu ngón tay hay ngón chân cái và dài 10 - 15cm, thịt trắng hồng, ít xơ. Thứ nhỏ, lõi đen sẫm là xấu. Hiện nay ta chỉ có thứ nhỏ, xơ nhiều, vỏ ngoài nhăn nheo (mua của Triều Tiên)
Không nhầm với xích thược: bên ngoài đỏ đen, nhiều xơ.
Thành phần hóa học: Có acid benzoic, tanin, tinh bột, đường; còn có paconon và paconon acetat.
Tính vị - quy kinh: Vị hơi đắng, chát, chua nhiều. Vào bốn kinh tâm, tỳ, phế và can.
Tác dụng: Thanh can, tư âm, liễm âm khí.
Chủ trị:
- Dùng sống: trị đau nhức, trị các chứng tả lỵ, giải nhiệt, nên dùng để trị cảm mạo do chứng hư gây nên.
- Sao tẩm: trị các chứng bệnh về huyết, thông kinh.
- Sao cháy cạnh: trị băng huyết.
Liều dùng: Ngày dùng 6 - 12g.
Kiêng kỵ: Trúng hàn, đau bụng đi tả thì không nên dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
Dùng bạch thược nên lấy dao tre cạo sạch vỏ ngoài, tẩm mật loãng độ 3 giờ, phơi khô (Lôi Công).
Lý Thời Trân nói: "Phần nhiều dùng sống, muốn tránh hàn thì tẩm sao". Nếu chữa bệnh huyết tháng của phụ nữ thì tẩm giấm sao.
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
Có nhiều cách bào chế:
Dùng sống: rửa sạch, phơi khô, dùng đến đâu đập dập.
- Rửa sạch, ngâm nước 2 - 3 giờ vớt ra ủ một đêm, hôm sau đem đồ mềm, ủ bao tải lại cho nóng, bào mỏng, sấy hay phơi khô. Không nên ngâm lâu mất chất (ra nước trắng).
- Rửa sạch, ngâm qua 2 - 3 giờ, đồ qua, mỏ vung cho bay hơi, đậy vung lại để giữ nóng. Lấy dần ra bào mỏng, nếu nguội thì rắn khó bào. Làm ngày nào hết ngày hôm đó, không để sang ngày hôm khác (thường dùng).
Theo kinh nghiệm Viện Đông y:
Rửa sạch, ngâm nước thường 1 - 2 giờ (với thời gian ngâm này, chưa tiết ra nước trắng), ủ 1 - 2 đêm. Bào mỏng (thái thì đẹp nhưng lâu công) 1 - 2 ly, sao qua.
Nếu không ngâm chỉ ủ thôi thì 4 - 5 đêm mới mềm và sau mỗi đêm phải rửa nếu không thì mốc, và mỗi lần rửa như vậy thì nước rửa hóa ra nước trắng.
Dùng chín: có thể tùy theo đơn:
Tẩm giấm sao qua hoặc sao cháy cạnh.
Tẩm rượu sao qua.
Bảo quản: chưa bào chế thì thường phải sấy diêm sinh. Đã bào chế rồi thì để nơi khô ráo, tránh ẩm.
No comments:
Post a Comment