CỎ NẾN LÁ HẸP
Tên khác: Cỏ nến lá hẹp, Bồn bồn, Thủy hương, Bồ hoàng.
Tên khoa học: Typha angustifolia L.; thuộc họ Cỏ nến (Typhaceae).
Mô tả: Cây mọc ở đầm lầy, sống nhiều năm, có thân rễ bò, thân đứng cao 1-2 m. Lá đứng, hẹp dài 30-60cm, rộng 4-10mm; cứng, gốc có bẹ ôm thân. Bông đực trên bông cái hình cây hương; hoa trần; hoa cái có lông mảnh trên trụ nhụy dài, có hoa lép, hoa đực có phiến hoa như sợi, thường có 3 nhị. Quả bế nhỏ, dài. Cây thường ra hoa vào tháng 3-7.
Bộ phận dùng:Phấn hoa (Pollen Typhae), thường có tên là Bồ hoàng.
Phân bố sinh thái:Cây mọc ở ruộng, đầm lầy, ven sông rạch nước ngọt, có khi tạo thành đám rộng, còn gặp trên bùn có nước lợ. Người ta cũng thu hái hoa, nghiền ra lấy phấn hoa.
Thành phần hoá học:Trong phấn hoa có n-pentacosane, acid béo.
Tính vị, tác dụng:Bồ hoàng có vị ngọt, tính bình; dùng sống thì có tác dụng hoạt huyết, hành ứ, lợi tiểu, sao giòn thì có tác dụng thu sáp, cầm máu.
Công dụng: Ngó và lá non muối làm dưa chua ăn ngon. Có thể lấy ngó non luộc ăn, nấu canh hay xào ăn. Hạt chà sạch vỏ dùng nấu cháo ăn như kê. Lông ở hoa cái dùng làm gối đệm. Còn phấn hoa dùng làm thuốc chữa kinh nguyệt bế sinh đau bụng, đau ngực, thông tiểu tiện (dùng sống), trị ho ra máu, chảy máu cam, đái ra máu (sao đen).
Liều dùng: Ngày dùng 5-8g.
No comments:
Post a Comment