CÙ ĐÈN LÔNG
Tên khác: Ba vỏ.
Tên khoa học: Croton crassifolius Geiseler; thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Mô tả: Cây bụi cao khoảng 50cm. Thân và nhánh nhiều, lúc non mịn, có lông dày hình sao. Lá hình bầu dục, hơi nhọn hay hình trái xoan, dài 4-20cm, rộng 2-4cm, có nhiều lông hình sao ở mặt trên, có lông hình sao mềm dày ở mặt dưới; mép lá nguyên hoặc hơi khía răng cưa; gân gốc 3, gân giữa với 4-5 đôi gân bên; cuống lá dài bằng nửa phiến lá, có 2 tuyến ở đầu cuống. Bông dài 5-10cm, có lông hình sao. Hoa đực có khoảng 20 nhị, hoa cái có bản dầy lông, 3 vòi nhuỵ, chẻ đôi hai lần thành 12 đầu nhuỵ. Quả nang hình cầu to cỡ 1cm. Cây ra hoa hầu như quanh năm.
Bộ phận dùng: Rễ (Radix Crotonis Crassifolii).
Phân bố sinh thái:Cây của miền Đông Dương, mọc hoang ở đất khô, vùng đồi núi.
Thu hái: Có thể thu hái rễ quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô.
Tính vị, tác dụng:Rễ có vị đắng và cay, mùi thơm, tính ấm; có tác dụng hành khí giảm đau, dãn gân cốt, hoạt kinh lạc, tiêu sưng.
Công dụng: Thường dùng chữa: 1. Viêm loét dạ dày, tá tràng; rối loạn chức năng dạ dày - ruột, bụng đầy hơi, trướng khí, lỵ; 2. Viêm gan mạn tính, hoàng đản; 3. Đau lưng mỏi gối, phong thấp nhức xương, đòn ngã bị thương; 4. Đau thoát vị, đau bụng kinh.
Liều dùng, cách dùng:Ngày dùng 9-12g, sắc uống hoặc xay thành bột và uống mỗi lần 2,5-3g với nước. Bột này còn dùng cầm máu vết thương và chữa mụn nhọt, lở loét. Rễ được dùng ngoài trị rắn cắn.
Bài thuốc: Chữa viêm loét dạ dày, hành tá tràng: dùng Cù đèn lông 60g, Hoàng lực (rễ) và Nguyệt quý, mỗi vị 30g, xương động vật 130g, Cam thảo 60g, tán thành bột, mỗi lần dùng 3g, ngày 3 lần.
No comments:
Post a Comment