CUI
Tên khác: Cui biển; (cây) Long.
Tên khoa học: Heritiera littoralis Aiton; thuộc họ Trôm (Sterculiaceae).
Mô tả: Cây gỗ lớn. Lá hình bầu dục hay trái xoan, dạng tim ở gốc, nhọn, nguyên, dai, gần như nhẵn ở mặt trên, màu bạc do có lông vẩy ở mặt dưới, dài trung bình 16cm, rộng 8cm, có 5 gân gốc; cuống ngắn. Hoa đơn tính, thành chuỳ thưa ở nách lá, có lông mềm hay lông vẩy. Quả gồm 1-2 quả đại hoá gỗ, hơi có cuống, có lườn trên lưng theo chiều dài. Hạt đơn độc, hình trứng dài 20mm, rộng 15mm, có vỏ nâu, dày, với lá mầm dày và nạc. Cây ra hoa tháng 5-7, quả tháng 6-8.
Bộ phận dùng: Hạt, rễ (Semen et Radix Heritierae).
Phân bố sinh thái:Cây mọc dựa rạch nước lợ đến các rừng ngập mặn; cũng được trồng. Còn phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc, Philippin, Úc châu và bờ biển phía Đông châu Phi.
Tính vị, tác dụng:Hạt có vị se rồi dịu, hơi đắng, có tác dụng bổ đắng, giảm đau và cầm ỉa chảy.
Công dụng: Ở Ấn Độ, người ta dùng hạt để ăn. Dầu chiết từ hạt này dùng để làm thuốc đắp trị thấp khớp. Nước sắc quả dùng trị ỉa chảy và lỵ. Ở Malaysia, người ta dùng rễ phối hợp với quả để tạo ra một chế phẩm giúp ăn ngon miệng; còn quả được dùng trị bệnh thấp khớp. Ở Jamaica, dịch lá có khi được dùng trị táo bón.
No comments:
Post a Comment