GAI DẦU
Tên khác: Gai mèo, Lanh mèo.
Tên khoa học: Cannabis sativa L. subsp. satica.; thuộc họ Gai dầu (Cannabaceae).
Mô tả: Cây thảo sống hàng năm cao 1-3m; thân vuông có rãnh dọc, phủ lông mềm, sù sì. Lá thường mọc so le, có cuống, có lá kèm, có phiến chia đều tận gốc thành 5-7 lá chét, hẹp, hình ngọn giáo, nhọn, có răng cưa. Hoa đơn tính khác gốc, các hoa đực xếp thành chùm xim kép ở nách và ở ngọn; các hoa cái xếp thành xim hay xim co ở nách những lá bắc dạng lá. Quả bé dạng trứng, dẹp, có mũi nhọn ở đầu, không mở nhưng do áp suất mà tách ra hai nửa và bao bởi hoa tồn tại. Hạt không có nội nhũ, chứa nhiều dầu. Cây ra oa tháng 5-6, quả tháng 7
Bộ phận dùng: Quả (Fructus Cannabis), thường gọi là Hỏa ma nhân; còn gọi là Đại ma nhân hay Ma tử.
Phân bố sinh thái:Cây của Á châu đới ôn được trồng ở nhiều vùng Âu, Phi, Mỹ châu. Ở nước ta cây được trồng nhiều ở vùng rẻo cao miền Bắc. Ðồng bào Mèo thường dùng lấy sợi nên mới có tên là Gai mèo, và có nơi trồng lấy hạt cho dầu. Trồng bằng hạt vào mùa xuân.
Thu hái: Quả vào tháng 8-9, dùng ép dầu và làm thuốc. Ðể làm thuốc, người ta đem hạt sao già để giảm độc ở vỏ, rồi giã giập sắc uống.
Thành phần hoá học: Quả chứa 30% dầu khô gồm các glycerid của acid linoleic và linolenic. Nhân hạt chứa trigonellin L (d)-isoleucine betaine, edestinase.
Tính vị, tác dụng:Vị ngọt, tính bình; có tác dụng nhuận táo, hoạt trường, thông tiện.
Công dụng, cách dùng:Dùng trị huyết hư, tân khụy trường táo tiện bí. Dùng tốt cho chứng táo bón kéo dài ở người già và phụ nữ bị đại tiện sau khi đẻ.
Liều dùng: Ngày 12-20g giã nhỏ uống.
Bài thuốc:
1. Chữa chứng táo bón: Nhân hạt Gai dầu và hạt Tía tô lượng bằng nhau, giã nhỏ, cho vào nước ngâm hoặc đun sôi, bỏ bã, lấy nước nấu cháo ăn.
2. Chữa phong độc, xương tuỷ đau nhức: Nhân hạt Gai dầu sao thơm, ngâm rượu uống.
3. Chữa đi lỵ ra máu không dứt: Nhân hạt Gai dầu nấu với Ðậu xanh ăn.
4. Chữa trong khi có thai, thai bị tổn thương sinh đau bụng: Hạt Gai dầu 30g đập giập sao thơm, sắc uống.
Ở nước ta, đồng bào miền núi thường dùng Gai dầu để lấy sợi dệt vải và cũng để lấy hạt chế dầu.
Ghi chú: Thuộc loại này, có một phân loài (Cannabis sativa L. subsp. indica (Lam.) Small) mà ta gọi là Cần sa. Cần sa cũng như Gai dầu đã được sử dụng trong y học thời thượng cổ như là thuốc giảm đau và sát trùng khi dùng ngoài. Dược học hiện đại dùng dưới dạng cồn thuốc và chiết xuất để dùng trong làm thuốc giảm đau (Nhất là đau dạ dày và một số bệnh thần kinh) và dùng ngoài như là sát trùng và chữa bỏng. Các chế phẩm thường khó bảo quản. Nhưng vì những tác hại mà nó có thể gây ra nên người ta đề nghị cấm dùng và từ 1-1-1965 ở Pháp đã không cho phép dùng nữa. Trong y học á đông nhất là Ấn Độ, người ta dùng làm thuốc hút vì tính chất làm say gây ra cảm giác khoan khoái nhẹ, nghe rõ, thấy màu đẹp, và nó đã trở thành đối tượng buôn bán gian lận từ lâu. Hoạt chất là một chất nhựa nằm trong các ngọn cây có hoa cái và quả. Chất này đã được nghiên cứu từ thế kỷ thứ 19 và từ năm 1940, người ta đã tách được một số thành phần, bao gồm các hợp chất không có N, tức là cannabinol và được lấy ra ở trạng thái acetat kết tinh. Nó chứa một nhân acetyl-resorcinol và một nhân p-cymen. Còn một hợp chất diphenol khác là cannabidiol đã được lấy ở trạng thái dinitrobenzoat kết tinh. Những sưu tầm mới đây (1974) cho thấy nhựa Gai dầu tác động vào nhiễm thể (tức là vào sự di truyền) vào hệ thống miễn dịch, vào hệ thống điều hoà kích thích tố và vào trung khu thần kinh. Chất chính gây ra các xáo trộn đó là tetrahydrocannabinol. Công ước thống nhất về các chất gây mê (New York 1971) do các uỷ viên có thẩm quyền của 74 nước đã họp và xem nó là một vị thuốc độc (trong lúc đó người ta chưa biết rõ chất chính gây ra các sự xáo trộn) nên đã đặt việc trồng cây Gai dầu cũng như việc buôn bán cây này dưới sự kiểm soát chung và cấm dùng cây này ngoài mục đích là để làm thuốc.
Cũng cần lưu ý là quả cây này dù được sử dụng làm thuốc ăn cho các loài chim nhỏ; dầu khô của nó dùng để sơn; khô dầu của nó giàu về protein, dùng làm thức ăn cho gia súc.
No comments:
Post a Comment