GIÁ
Tên khoa học: Excoecaria agallocha L.; thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Mô tả: Cây nhỡ hay cây bụi có nhựa mủ trắng. Lá mọc so le, xoan, bầu dục, tù ở gốc, có mũi lồi ngắn, hơi lệch và tù, nguyên, dai, dài 5-8cm, rộng 2,5-4,5cm, bóng loáng ở mặt trên, mốc mốc ở mặt dưới, với hai tuyến ở gốc; cuống mảnh, dài 2cm. Hoa khác gốc, thành bông ở nách lá; các bông đực nhiều hoa, dài 2-8mm; các bông cái thưa, dài 10-15mm, có khi có hoa đực ở ngọn. Quả nang có cuống ngắn 2-3mm, hình cầu, có 3 cạnh; đường kính 1cm; hạt 3, hình cầu, 4mm, màu xám nhạt. Cây ra hoa tháng 6-12.
Bộ phận dùng:Toàn cây (Herba Excoecariae Agallochae).
Phân bố sinh thái:Loài của Á châu nhiệt đới, thường hay gặp ở các rừng ven biển, ven sông nước lợ, khắp nước ta.
Thành phần hoá học:Các bộ phận của cây đều chứa nhựa độc. Vỏ chứa tanin, từ 10-15% tuỳ nơi. Hạt chứa dầu.
Tính vị, tác dụng:Nhựa mủ rất độc, gây xổ, sẩy thai, có thể làm mù mắt. Vỏ gây nôn, xổ. Lá cũng có độc.
Công dụng, cách dùng:Người ta thường dùng nhựa mủ làm thuốc duốc cá, có khi cũng dùng lá làm thành bột thả xuống nước. Mủ có thể dùng chữa loét mạn tính. Có nơi dùng với nhựa Sui để tẩm tên độc. Lá cây có thể sắc uống chữa động kinh; giã tươi đắp trị các vết loét. Dịch lá nấu với dầu dùng xoa đắp trị thấp khớp, phong cùi và liệt. Rễ cây ít độc hơn các phần của cây trên mặt đất. Giã ra lẫn với Gừng, dùng làm thuốc chườm trị sưng chân tay. Hạt phơi nắng có thể chế dầu dùng trị ghẻ. Nói chung, chỉ nên sử dụng để trị bệnh ngoài da. Còn gỗ trắng, có quầng rõ, khi già đốt có mùi thơm trầm. Khói gỗ có thể dùng để trị bệnh phong cùi; nhưng cần lưu ý hơi đốt này rất nguy hiểm nếu ta đốt gỗ trong phòng ở.
No comments:
Post a Comment