GỐI HẠC
Tên khác: Ðơn gối hạc, Củ rối, cây mũn.
Tên khoa học: Leea rubra Blume ex Spreng.; thuộc họ Gối hạc (Leeaceae).
Mô tả: Cây nhỏ, thường cao khoảng 1-2m, có khi hơn. Thân có rãnh dọc và phình lên ở các mấu. Rễ có vỏ ngoài màu hồng, lõi có màu hồng, trắng hay vàng. Lá kép lông chim 3 lần, các lá phía trên kép lông chim 2 lần, mọc so le; các lá chét khía răng to. Hoa nhỏ, màu hồng, mọc thành ngù ở ngọn cành. Quả chín có màu đen. Mùa hoa quả tháng 5-10
Bộ phận dùng: Rễ (Radix Leeae Rubrae).
Phân bố sinh thái:Cây của vùng Ấn Độ - Malaysia, mọc hoang ở chỗ râm mát trên các đồi ven rừng, chân núi. Cũng được trồng bằng giâm cành.
Thu hái: Người ta thu hái rễ vào mùa hè thu. Ðào về, rửa sạch, thái lát, phơi hay sấy khô.
Tính vị, tác dụng:Rễ Gối hạc có vị đắng ngọt, tính mát, có tác dụng tiêu sưng, thông huyết. Do có tác dụng này như vị Xích thược nên người ta gọi là Nam xích thược.
Công dụng, cách dùng:Thường được sử dụng dùng chữa sưng tấy, đơn bắp chuối hay phong thấp sưng đầu gối và chữa đau bụng, rong kinh. Hạt thường được dùng trị giun đũa, giun kim và sán xơ mít.
Liều dùng: Ngày dùng 15-20g rễ, dùng riêng sắc uống hoặc ngâm rượu uống. Phụ nữ khi sinh đẻ thường lấy rễ Gối hạc sắc uống cho khoẻ người, ăn uống ngon miệng, đỡ đau mình mẩy.
Bài thuốc: Chữa sưng tấy, đau bắp chuối hay phong thấp sưng đầu gối: Rễ Gối hạc 40-50g sắc uống. Hoặc phối hợp với các vị thuốc khác: Rễ Gối hạc 30g, Cỏ xước hay Ngưu tất, Rễ gấc, Tỳ giải, mỗi vị 15g, cũng sắc uống.
No comments:
Post a Comment