GỐI HẠC ĐEN
Tên khác: Củ rối ấn, Cây Gây bụt.
Tên khoa học: Leea indica (Burm. f.) Merr.; thuộc họ Gối hạc (Leeaceae).
Mô tả: Cây mọc thành bụi dày, thân có rãnh. Lá hai lần kép lông chim; lá chét tròn dài, không lông, mép có ít răng đen ở mặt dưới lúc khô; lá kèm cao 3cm, dính vào cuống. Ngù hoa rộng, hoa vàng vàng, tràng có thuỳ. Quả mọng đen, tròn bẹp, rộng 1cm, chứa 4-6 hạt. Cây ra hoa tháng 5-8, quả tháng 7-12.
Bộ phận dùng: Rễ, lá và toàn cây (Radix, Folium et Herba Leeae Indicae).
Phân bố sinh thái:Cây mọc dọc đường đi trong rừng khu vực núi đá Hoà Bình, Hà Tây, Ninh Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh qua các tỉnh miền Trung đến tận Kiên Giang (Ðảo Phú Quốc). Còn phân bố ở nhiều nước khác: Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia.
Thu hái: Rễ thu hái quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô. Lá thường dùng tươi.
Thành phần hoá học:Lá chứa một acid vô định hình gây sùi bọt.
Tính vị, tác dụng:Rễ có vị đắng, tính ấm, không độc, cũng có những tác dụng như rễ Gối hạc: bổ tỳ vị, giúp tiêu hoá, trừ thấp giảm đau, cầm lỵ, giải độc, làm ra mồ hôi. Cây có vị nhạt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt giải độc.
Công dụng, cách dùng:
Thường được dùng như Gối hạc trị thấp khớp tê bại, bán thân bất toại. Cũng dùng trị ỉa chảy, kiết lỵ, trẻ em cam tích, đậu sởi và phụ nữ rong kinh.
Ở Ấn Độ, người ta còn dùng nước sắc rễ trị đau bụng, giải nhiệt và giải khát. Lá được giã ra dùng đắp và điều trị chóng mặt.
Ở Trung Quốc, toàn cây được dùng trị cảm mạo phát sốt nóng.
No comments:
Post a Comment