Friday 14 November 2014

HÒE BẮC BỘ-Sophora tonkinensis

HÒE BẮC BỘ


Tên khác: Sơn đậu.
Tên khoa học: Sophora tonkinensis Gagnepain; thuộc họ Đậu (Fabaceae).
Tên đồng nghĩa: Sophora supbprostrata Chun et T. Chen
Đặc điểm thực vật (Mô tả): Cây bụi, cao 1-2m, có thân hình trụ, có lông mềm. Lá mọc so le có trục dài 10-15cm; lá chét 1-15, mọc đối, dày, dài, thuôn hay bầu dục, dài 3-4cm, rộng 1-2cm, tròn ở gốc, tù ở chóp, nhẵn, óng ánh ở mặt trên, có lông ở mặt dưới, gân bên 7-8 cặp, cuống lá dài 8-12cm. Cụm hoa ở nách lá thành chùm hay chuỳ, dài 8 - 13cm, có lông mềm; cuống hoa mảnh; lá bắc dễ rụng; đài hình chuông có lông ở ngoài; tràng hoa màu vàng dài 10-12mm; cánh hoa có móng ngắn; nhị hơi dính nhau ở gốc, bầu có lông, 4 ô. Quả có lông, dài 3,5-4cm rộng 0,8cm, tự mở. Hạt 1-3, dạng trứng màu đen, bóng.
Bộ phận dùng: Rễ (Radix Sophorae Tonkinensis) thường có tên là Quảng đậu căn cũng có tên là Sơn dậu căn.
Phân bố sinh thái: Loài nguồn gốc từ Trung Quốc và Bắc Việt Nam. Thường mọc trong các núi đá voi và trên sườn dốc các đồi. Ở nước ta, cây phân bố từ Quảng Ninh, Ninh Bình tới Quảng Nam - Đà Nẵng.
Thành phần hóa học: Trong rễ cây có matrin, oxymatrin, N-methylcytisin, anagyrin, sophoranon, sophoranochromen, sophoradin, ptereocarpin, maackiain.
Tính vị, tác dụng: Hoè Bắc bộ có vị đắng, tính lạnh; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng chỉ thống.
Công dụng, cách dùng: Dùng chữa sưng họng, sưng mộng răng. Ở Trung Quốc, có nơi, người ta dùng rễ cây này chữa ung thư, cho rằng nó có khả năng ức chế sự phân liệt của tế bào ung thư.
Liều dùng: Ngày 4-12g, sắc uống riêng hay phối hợp với các vị khác.
Bài thuốc: Chữa sưng họng và sưng chân răng do phế vị hoả bốc xông lên: Hoè Bắc bộ, Cương tàm (Tằm chết gió), Chi tử, đều 12g, Huyền sâm, Cát cánh, cam thảo dây, đều 8g, Bạc hà, Kinh giới, đều 6g, sắc uống.

No comments:

Post a Comment