Friday, 14 November 2014

HỒI NƯỚC-Limnophila rugosa

HỒI NƯỚC


Tên khác: Quế đất.
Tên khoa học: Limnophila rugosa (Roth) Merrill; thuộc họ Hoa mõm sói (Scrophulariaceae).
Tên đồng nghĩa: Herpestis rugosa Roth
Đặc điểm thực vật (Mô tả): Cây thảo hàng năm có thân mọc đứng cao 15-40cm, khoẻ, đơn hay phân nhánh ít, nhẵn hoặc có lông mịn. Lá mọc đối có cuống dài 5-25mm, phiến lá hình trứng tới thuôn hình trứng, dài 2-8cm, rộng 0,8-4,5cm, tù ở chóp, có góc men trên cuống, có mép hơi khía lượn, ráp ở trên, có lông dọc theo các gân chính ở mặt dưới, có nhiều điểm tuyến. Cụm hoa ở nách lá thành ngù 1-7 hoa, không cuống hay có cuống ngắn, ở nách của 2 lá bắc dạng lá; đài có lá đài giữa to; tràng hoa 13-15mm, màu lam nhạt, có họng vàng, hơi có lông ở phía ngoài, có lông mềm ở mặt trong. Quả nang hình trứng rộng, dẹp, 5-6 x 3mm.
Bộ phận dùng: Toàn cây (Herba Limnophilae Rugosae).
Phân bố sinh thái: Loài phân bố ở Ấn Độ, Nê pan, Mianma, Nam Trung quốc, Thái Lan, Lào, Việt Nam, bán đảo Malaixia, Indonesia, Philippin, Tân Ghinê và đến Polynêdi. Người ta thường gặp chúng trong các bãi cỏ dọc theo sông hồ, ruộng rạch, ở cao độ thấp tới 1500m, từ Hoà Bình, Quảng Ninh tới Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang cũng được trồng làm rau gia vị.
Thu hái: Cành lá quanh năm, thường dùng tươi.
Thành phần hóa học: Lá chứa tinh dầu (Anethol) có mùi như mùi Húng quế, Hồi.
Tính vị, tác dụng: Hồi nước có vị cay, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt giải biểu, khư phong trừ thấp, làm ngừng ho và giảm đau.
Công dụng, cách dùng: Cây thường được dùng làm rau gia vị ăn với bánh xèo, dùng làm thơm thức ăn và gội đầu cho thơm tóc.
Ở Trung Quốc, cây được dùng trị cảm mạo, viêm đau hầu họng, phổi nóng sinh ho, viêm nhánh phế quản, đau dạ dày, dùng ngoài trị bệnh mụn.
Ở Indonesia, nước sắc cây được dùng trong điều trị bệnh lậu nhẹ và suy nhược.
Ở Philippin, nước hãm lá cũng thường được dùng.

HỒI NÚI-Illicium griffithii

HỒI NÚI


Tên khác: Đại hồi núi, Mu bu (Mèo).
Tên khoa học: Illicium griffithii J. D. Hooker & Thomson; thuộc họ Hồi (llliciaceae).
Tên đồng nghĩa: Ternstroemia khasyana Choisy.
Đặc điểm thực vật (Mô tả): Cây gỗ cao 8-15m, tán tròn. Lá hình bầu dục, nhẵn, dai, không rụng, nguyên, dài 8cm, rộng 3cm, xếp 4-5 cái thành vòng giả: cuống dài 8-10mm. Hoa ở nách lá, đơn độc, có cuống hoa phát triển sau khi hoa nở, dài hơn cuống lá, thơm mùi Hồi. Quả có 10-13 đại, xếp toả tròn, dẹp bên, có bầu cụt ở gốc, hình vuông hay chữ nhật, kéo dài thành mỏ hẹp và cũng dài bằng bầu, nhọn cong về phía trong như lưỡi liềm. Cây ra hoa tháng 3-4.
Bộ phận dùng: Rễ, quả (Radix et Fructus lllicii).
Phân bố sinh thái: Cây của vùng Viễn Đông, phân bố ở Đông Dương, Malaysia. Ở nước ta, cây Hồi mọc hoang rải rác trên núi đá vôi ở Lạng Sơn (huyện Chi Lăng), Hoà Bình (Đà Bắc), các tỉnh Tây Bắc và một số tỉnh phía Nam như Khánh Hoà (Vọng Phu), Lâm Đồng (Bảo Lộc, Lang Biang).
Thành phần hóa học: Quả Hồi núi cũng chứa tinh dầu giống tinh dầu cất từ hạt Tiểu hồi. Quả có chứa tinh dầu (1,5%), thành phần chính là safrol (77,5%).
- Lá có chứa tinh dầu (3%)
Tính vị, tác dụng: Quả hồi chứa chất độc. Mùi vị của dầu lúc đầu hầu như không có, sau có vị chát, thơm và có pha mùi của ớt và Hồ tiêu.
Công dụng, cách dùng: Hạt Hồi núi giã ra để duốc cá, không dùng uống được. Nếu dùng nhầm sẽ bị ngộ độc: có triệu chứng nôn mửa, rát họng, đau bụng, chân tay lạnh, chảy nước rãi. Rễ cũng được dân gian dùng thay quả Hồi.

HỒI ĐẦU-Tacca plantaginea

HỒI ĐẦU


Tên khác: Cỏ vùi đầu, Vùi sầu.
Tên khác: Tacca plantaginea (Hance) Drenth; thuộc họ Râu hùm (Taccaeae).
Đặc điểm thực vật (Mô tả): Cây thảo cao 15-25cm, thân rễ phình thành củ tròn hoặc hình trứng, mọc cong lên, không có thân. Lá mọc từ thân rễ, phiến lá nguyên, lượn sóng men theo cuống đến tận gốc, dài 10-20cm, rộng 2-5 (8)cm, xanh mượt, nhẵn bóng ở mặt trên, cuống lá dài 5-7cm. Cụm hoa hình tán gồm 6-10 hoa trên một cán mập dẹt cong dần xuống, dài tới 10cm, bao chung gồm 4 lá bắc màu tím; hoa màu tím, có cuống, bao hoa có 6 phiến, các phiến ngoài to và rộng hơn; nhị 6 đính trên các thuỳ phiến bao hoa; bầu dưới, 1 ô, hình nón ngược, có cánh ở gốc. Quả nang mở không đều ở đỉnh; hạt nhỏ, hình thoi, màu nâu. Mùa hoa tháng 9-12. 
Bộ phận dùng: Thân rễ (Rhizoma Taccae). Thân rễ cây thường ngóc đầu lên mọc thành cây nên ta gọi là Hồi đầu. Củ lúc đầu có ruột màu vàng nhạt mùi hăng như Nghệ, nhưng khi khô lại có màu be nhạt, hết hăng, mùi thơm như Tam thất.
Phân bố sinh thái: Loài cây của Á châu, phân bố ở Trung quốc, các nước Đông Dương, Malaixia và Inđônêxia. Ở nước ta, Hồi đầu mọc hoang ở các tỉnh vùng núi thấp miền Bắc Việt Nam, mọc nhiều ở chỗ ẩm mát, ven suối, trong rừng ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Thái. Có thể trồng bằng thân rễ như trồng Nghệ vào mùa xuân, mùa thu. Người ta thu hái thân rễ vào mùa hè, thu, cắt bỏ lá và rễ con, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng, ủ cho mềm rồi thái lát, tẩm gừng, sao vàng.
Thành phần hóa học: Trong rễ có saponin steroid. Khi thuỷ phân cho diosgenin với hàm lượng 1,12 - 1,14%.
Tính vị, tác dụng: Hồi đầu có vị đắng, hơi the, tính bình; có tác dụng bổ huyết thay cũ đổi mới, làm tan máu ứ, thông kinh bế và tiêu sưng viêm; điều hòa kinh nguyệt, giúp tiêu hoá, nhuận tràng, lợi mật.
Công dụng: Thường dùng chữa tiêu hoá kém, đau bụng, vàng da do viêm gan siêu vi trung, ỉa chảy, thần kinh suy nhược, huyết áp cao, đau dây thần kinh toạ, thấp khớp, trẻ em sốt bại liệt, phụ nữ kinh nguyệt không đều.
Cách dùng, liều dùng: Ngày dùng 2-4g rễ, dạng thuốc viên, thuốc bột, hoặc dùng ngày  6-12g dược liệu khô sắc nước uống.
Bài thuốc:
1. Chữa phụ nữ kinh ít, huyết xấu, hành kinh máu đỏ nhạt hay lởn vởn, thường đau bụng kinh, vòng kinh không đều: Hồi đầu tán bột uống mỗi ngày 10g, uống liền 10 ngày kể từ sau khi thấy kinh 2 tuần vài ba đợt thì kinh đều, máu tốt, người béo đỏ (Lương y Lê Trần Đức).
2. Chữa bị thương sưng tấy va mụm nhọt: Dùng củ Hồi đầu và cả cây, giã tươi chế thêm nước hay giấm, vắt lấy nước cốt uống, lấy bã đắp vào chỗ đau (Lương y Lê Trần Đức)
3. Chữa kinh bế đau bụng: dùng 20g bột Hồi đầu uống với 1 chén rượu. Hoặc dùng bột Hồi đầu ngâm rượu (100g ngâm với 300ml rượu 36-40 độ) uống mỗi lần 20ml, ngày uống 2 lần.
4. Chữa đau dạ dày, viêm tá tràng, ăn kém tiêu, đại tiện phân cứng, đau tức vùng thượng vị, mỏ ác, viêm gan mạn tính: Bột Hồi đầu 6-10g mỗi ngày. Kiêng dùng giấm và rượu.
5. Chữa huyết áp cao của phụ nữ: Hồi đầu 20g, Hương phụ tử chế 18g, nước 300ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày (Tài nguyên cây thuốc Việt Nam).

HÔI-Gomphostemma leptodon

HÔI


Tên khác: Sâu cối.
Tên khoa học: Gomphostemma leptodon Dunn; thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae).
Đặc điểm thực vật (Mô tả): Cây nhỏ cao 1-1,5m, thân đứng, ít phân nhánh, dày, có khía dọc, 4 góc tù, phủ lông nhỏ dày đặc, hình sao. Lá mọc đối, hình trứng rộng, mép khía răng nhỏ, mặt dưới có lông. Hoa mọc thành xim ở nách lá, nhiều hơn, dày đặc, không cuống; lá bắc nhỏ; đài hình chuông, 5 răng; tràng màu trắng, mặt ngoài có lông, phiến 2 môi, môi trên tròn, môi dưới 3 thuỳ; nhị không thò ra ngoài; bầu nhẵn, vòi nhẵn. Quả bế nhỏ, nhẵn. Cây ra hoa tháng 12.
Bộ phận dùng: Lá, rễ (Folium et Radix Gomphostemmae).
Phân bố sinh thái: Thường gặp ở rừng phục hồi, ở rìa rừng núi đất ở Lạng Sơn, Bắc Thái, Hoà Bình, Ninh Bình.
Công dụng, cách dùng: Cây chỉ mới được dùng theo kinh nghiệm dân gian. Lá và thân giã ra rưới với nước gạo cho ngấm, rồi nướng nóng đắp bên ngoài da chữa sâu quảng, sâu cối. Lá cũng dùng nấu nước rửa chữa lở, ghẻ, mụn nhọt. Rễ được dùng sắc uống chữa đau đầu kinh niên.

HÒE LÔNG-Sophora tomentosa

HÒE LÔNG


Tên khác: Cây chuỗi hột.
Tên khoa học: Sophora tomentosa Linnaeus; thuộc họ Đậu (Fabaceae).
Đặc điểm thực vật (Mô tả): Cây nhỏ cao 2-4m, có thân thẳng, màu trăng trắng. Lá kép lông chim lẻ, có 11-15 đôi lá chét, mặt trên màu nhạt bóng, mặt dưới có lông tơ mềm và trắng. Hoa màu vàng xám, xếp thành chùm dày, dài 10-20cm ở ngọn, dựng đứng và dày đặc. Quả hình tràng hạt, có lông mềm; hạt hình cầu, màu vàng, dài 7mm. Cây ra hoa tháng 12-1, quả tháng 3-4
Bộ phận dùng: Hạt và rễ. Lá cũng có thể dùng được (Semen, Radix et Folium Sophorae Tomentosae).
Phân bố sinh thái: Cây phân bố rộng rãi ở các vùng ven bờ biển của Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ, Philippin. Ở nước ta, Hòe lông phân bố trên các bãi cát ở các đảo từ Quảng Ninh đến tận Vũng Tàu - Côn Đảo (Côn Đảo) và Kiên Giang (Phú Quốc).
Thành phần hóa học: Rễ và hạt chứa alkaloid lỏng bay hơi, sophorine tương đồng với cytisin; các alkaloid khác là matrin, methylcytisin, cytisin và một base chưa xác định.
Tính vị, tác dụng: Hạt có vị rất đắng; vỏ rễ cũng đắng, có tác dụng làm se. Ở Ấn Độ, rễ và hạt được xem là đặc hiệu trong các bệnh về mật.
Công dụng, cách dùng: Hạt và rễ dùng trị ỉa chảy và thổ tả. Ở Malaysia, người ta dùng trị ỉa chảy vì bị ngộ độc gây ra do ăn phải cá độc.

Liều dùng: Ngày 3 hạt trong các trường hợp thông thường, và 7 hạt khi bị thổ tả, giã ra ngâm trong nước để uống. Với liều này sẽ ngưng nôn mửa.

HÒE BẮC BỘ-Sophora tonkinensis

HÒE BẮC BỘ


Tên khác: Sơn đậu.
Tên khoa học: Sophora tonkinensis Gagnepain; thuộc họ Đậu (Fabaceae).
Tên đồng nghĩa: Sophora supbprostrata Chun et T. Chen
Đặc điểm thực vật (Mô tả): Cây bụi, cao 1-2m, có thân hình trụ, có lông mềm. Lá mọc so le có trục dài 10-15cm; lá chét 1-15, mọc đối, dày, dài, thuôn hay bầu dục, dài 3-4cm, rộng 1-2cm, tròn ở gốc, tù ở chóp, nhẵn, óng ánh ở mặt trên, có lông ở mặt dưới, gân bên 7-8 cặp, cuống lá dài 8-12cm. Cụm hoa ở nách lá thành chùm hay chuỳ, dài 8 - 13cm, có lông mềm; cuống hoa mảnh; lá bắc dễ rụng; đài hình chuông có lông ở ngoài; tràng hoa màu vàng dài 10-12mm; cánh hoa có móng ngắn; nhị hơi dính nhau ở gốc, bầu có lông, 4 ô. Quả có lông, dài 3,5-4cm rộng 0,8cm, tự mở. Hạt 1-3, dạng trứng màu đen, bóng.
Bộ phận dùng: Rễ (Radix Sophorae Tonkinensis) thường có tên là Quảng đậu căn cũng có tên là Sơn dậu căn.
Phân bố sinh thái: Loài nguồn gốc từ Trung Quốc và Bắc Việt Nam. Thường mọc trong các núi đá voi và trên sườn dốc các đồi. Ở nước ta, cây phân bố từ Quảng Ninh, Ninh Bình tới Quảng Nam - Đà Nẵng.
Thành phần hóa học: Trong rễ cây có matrin, oxymatrin, N-methylcytisin, anagyrin, sophoranon, sophoranochromen, sophoradin, ptereocarpin, maackiain.
Tính vị, tác dụng: Hoè Bắc bộ có vị đắng, tính lạnh; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng chỉ thống.
Công dụng, cách dùng: Dùng chữa sưng họng, sưng mộng răng. Ở Trung Quốc, có nơi, người ta dùng rễ cây này chữa ung thư, cho rằng nó có khả năng ức chế sự phân liệt của tế bào ung thư.
Liều dùng: Ngày 4-12g, sắc uống riêng hay phối hợp với các vị khác.
Bài thuốc: Chữa sưng họng và sưng chân răng do phế vị hoả bốc xông lên: Hoè Bắc bộ, Cương tàm (Tằm chết gió), Chi tử, đều 12g, Huyền sâm, Cát cánh, cam thảo dây, đều 8g, Bạc hà, Kinh giới, đều 6g, sắc uống.

Thursday, 13 November 2014

NỞ NGÀI ĐẤT-Gomphrena celosioides-cây thuốc chữa gout (gút)

NỞ NGÀI ĐẤT



NỞ NGÀI ĐÁT-Gomphrena celosioides
Hình ảnh cây: Nở ngài đất Gomphrena celosioides Mart.

Tên khác: Bách nhật đất, Cây bạc dầu.
Tên khoa học: Gomphrena celosioides Mart.; thuộc họ Rau dền (Amaranthaceae).
Đặc điểm thực vật (Mô tả): Cỏ sống lâu, mọc nằm rồi đứng, phân nhánh nhiều; rễ to. Thân có rãnh sâu, có lông nằm. Lá không cuống, đầy lông nằm trăng trắng ở mặt dưới. Cụm hoa bông hình trụ rộng 1cm, dài 2-3cm, lá bắc 5-6mm. Hoa trắng, 5 lá đài, 5 nhị dính thành ống, bầu hình trứng. Quả hộp chứa nhiều hạt màu nâu.
Bộ phận dùng: Toàn cây (Herba Gomphrenae).
Phân bố sinh thái: Cây mọc rải rác ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, là cây cỏ mọc hoang, lá nhỏ và khá dày, hoa màu trắng, có lông, hoa thường nở vào mùa đông và mùa hè, cây mọc thành chùm, bụi, mọc quanh năm, hay mọc ở vùng đất khô cằn.
Thành phần hóa học: Alkaloid (Aurantiamide), Steroid, terpenoid, Ecdysteroid, Flavonoid, Saponins, Amino acid, Butacyanin.

Aurantiamides
Công thức: Aurantiamide
Thu hái:  Toàn cây quanh năm.
Công dụng: Dân gian, người ta dùng rễ sắc uống trị ho, cảm cúm, kích thích tiêu hóa tốt, loại bỏ căng thẳng mệt mỏi và toàn cây sắc uống tiêu độc. Đặc biệt nhất là công dụng trị gút hiệu quả nhờ khả năng ức chế acid uric trong máu cực kỳ tốt, ngăn ngừa gút tái phát, giúp vượt qua những vấn đề về xương khớp.
Bài thuốc:
1. Trị sốt, cảm cúm, tiêu độc: Nước sắc Lá, Thân, rễ, 30gr sắc với 1 lít nước uống sau bữa ăn
2. Điều trị Gout, khớp: Dùng 200gr cây nở ngày đất tươi (cả hoa) sắcvới 1500 ml nước cạn còn 500ml , uống khi thấy khát, sắc lại khi nào thấy nhạt thì thôi, uống khi nào thấy bệnh khỏi hẳn thì giảm lượng thuốc còn 100g/ ngày, sắc uống thay nước hàng ngày, nếu dùng khô thì sắc lâu hơn một chút.

Kiêng kỵ: phụ nữ cho con bú, phụ nữ có thai, người huyết áp thấp thì không nên dùng.